.

Thế giới tuần qua: Tương lai bất định

Cập nhật: 15:23, 21/08/2021 (GMT+7)

Sau gần một tuần Thủ đô Kabul rơi vào tay phong trào Taliban, tình hình ở Afghanistan tiếp tục hỗn loạn, gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Những hậu quả cùng lúc của chiến tranh, hạn hán và dịch bệnh đang đẩy cuộc sống của hàng chục triệu người dân nước này đến chỗ cùng cực.

1. Tương lai bất định của Afghanistan

Hiện tại, công tác sơ tán vẫn đang được Mỹ và các quốc gia phương Tây gấp rút triển khai ở sân bay Kabul. Tình hình càng trở nên hỗn loạn khi hàng chục nghìn người đã tìm cách chạy khỏi Afghanistan do lo ngại sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo cực đoan mà Taliban từng áp đặt, cũng như lo sợ bị Taliban trả thù. Hãng tin Pazhwok của Afghanistan ngày 16-8 cho biết hầu hết các quan chức cấp cao chính quyền và nhiều chính trị gia Afghanistan đã rời khỏi đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), tài liệu mật, do Trung tâm Phân tích toàn cầu Na Uy - tổ chức được các cơ quan LHQ thuê nghiên cứu và phân tích các thông tin phản gián, công bố ngày 18-8 cho thấy Taliban đang tăng cường truy tìm những người đã từng làm việc cho Mỹ và các lực lượng của LHQ dù chính lực lượng này tuyên bố sẽ khoan hồng và ân xá cho những người trong chế độ trước đây.

Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16-8. Ảnh: TTXVN
Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16-8. Ảnh: TTXVN

Hậu quả cùng lúc của chiến tranh và nạn hạn hán do biến đổi khí hậu khiến tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan hiện nay thêm trầm trọng. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ước tính hiện có khoảng 12,2 triệu người dân nước này không được đảm bảo an ninh lương thực. Số người bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tăng 16%, tương đương 900.000 người và trong khi số trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở mức vừa tăng 11%, lên 3,1 triệu trẻ.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ngày 19-8, biểu tình chống Taliban đã diễn ra ở nhiều thành phố của Afghanistan. Phó tổng thống Amrullah Saleh - người tự xưng là "Tổng thống lâm thời Afghanistan" đã tuyên bố thành lập liên minh quân sự chống Taliban và đặt đại bản doanh ở thung lũng Panjshir gần Kabul.

LHQ kêu gọi thông qua đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, bao hàm và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”. Trong khi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và 18 quốc gia khác cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Taliban bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Taliban cho biết không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong thông điệp mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một “hệ thống Hồi giáo thuần túy” ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền. Từ những phát ngôn của thủ lĩnh Akhundzada và các chiến dịch quân sự, có thể thấy Taliban rõ ràng muốn đặt toàn bộ Afghanistan dưới sự cai trị của phong trào Hồi giáo cực đoan này. Điều này làm dấy lên lo ngại người dân Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu sự cai trị hà khắc, cùng những hệ lụy khôn lường về an ninh trong khu vực.

2. ECCC xử phúc thẩm cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan

Ngày 16-8, tại thủ đô Phnom Penh, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã mở phiên toà phúc thẩm cuối cùng đối với Khieu Samphan - cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ duy nhất còn sống. Dự kiến, vụ kiện sẽ kết thúc vào năm 2022.

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan trong phiên xét xử của ECCC tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 16-8-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan trong phiên xét xử của ECCC tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 16-8-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 19-11-2007, Khieu Samphan bị bắt để đưa ra xét xử. Vào tháng 8-2014, Khieu Samphan bị Tòa án ECCC tuyên mức án tù chung thân vì tội ác chống lại loài người, tội chỉ đạo giết người, đàn áp chính trị và những hành vi vô nhân đạo. Tháng 11-2018, Khieu Samphan bị tuyên án phạm các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng, nhưng sau đó đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao thuộc ECCC. Sau phiên xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao thuộc ECCC dự kiến sẽ ra phán quyết cuối cùng vào quý IV-2022.

ECCC là tòa án đặc biệt tại Campuchia do LHQ và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác của các thủ lĩnh Khmer Đỏ gây ra dưới thời diệt chủng.

3. Cuộc đua khẩn cấp vì nhân loại

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, thế giới đã chứng kiến những hậu quả tàn khốc của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài do tình trạng biến đổi khí hậu khiến nhiều nước giáp khu vực Địa Trung Hải, từ Hy Lạp, Pháp, Italy, Tây Ban Nha tới Israel, Algeria và Maroc đang oằn mình chống chọi với các đám cháy rừng nghiêm trọng.

Nước lũ tàn phá nặng nề tại thị trấn Bozkurt thuộc tỉnh Kastamonu (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 13-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nước lũ tàn phá nặng nề tại thị trấn Bozkurt thuộc tỉnh Kastamonu (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 13-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, trận lũ lịch sử ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khiến hơn 300 người thiệt mạng. Hơn 100 người chết trong trận lụt ở tỉnh Nurestan, Đông Bắc Afghanistan. Trước đó là đợt lũ khủng khiếp, được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn 200 người đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương và nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gây thiệt hại hàng tỷ euro cho các nước Đức, Bỉ, Áo... Bên kia bờ Đại Tây Dương, Bắc Mỹ hứng chịu những các đợt sóng nhiệt kỷ lục, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Mỹ và hơn 700 người tại khu vực Tây Canada.  

Theo số liệu của LHQ, từ năm 2000-2019, thế giới ghi nhận hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước đó. LHQ cũng cảnh báo tình trạng Trái Đất nóng lên là nguyên nhân khiến số người cần hỗ trợ nhân đạo quốc tế có thể tăng 50% vào năm 2030 so với 108 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo năm 2018.

Ngày Nhân đạo thế giới năm nay (19-8), LHQ đã phát động cuộc đua về khí hậu mang tên “TheHumanRace” (Cuộc đua khẩn cấp vì nhân loại), bằng cách ghi lại 100 phút hoạt động thể chất, như chạy, đạp xe, bơi lội, đi bộ hoặc bất kỳ hoạt động nào khác trên ứng dụng tập thể dục Strava trong tuần từ ngày 16 đến 31-8, để gửi một thông điệp khẩn cấp về khí hậu tới các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới. Theo LHQ, nhân loại chỉ có một cách duy nhất để đảo ngược tình thế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, là cùng hành động để đạt mục tiêu chấm dứt việc thải thêm khí CO2 vào năm 2050.

4. APEC thông qua lộ trình an ninh lương thực bền vững

Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về an ninh lương thực, diễn ra ngày 19-8 theo hình thức trực tuyến, đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết xây dựng một hệ thống lương thực cởi mở, minh bạch, năng suất, bền vững và có khả năng phục hồi thông qua lộ trình an ninh lương thực mới cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Thu hoạch lúa tại Việt Nam. Nguồn: TTXVN
Thu hoạch lúa tại Việt Nam. Nguồn: TTXVN

Đây là lời giải cho bài toán an ninh lương thực ở châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh các nền kinh tế APEC được đánh giá là dễ bị tổn thương và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực, bao gồm sự gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và những bước phát triển công nghệ mới dự kiến sẽ thay đổi lĩnh vực này.

Lộ trình tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm gồm số hóa và đổi mới, năng suất, tính bao trùm và tính bền vững. Các thành viên APEC cam kết áp dụng công nghệ mới, trong đó có chuyển đổi số, để góp phần đảm bảo an ninh lương thực bền vững và tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các thách thức về môi trường. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong toàn bộ hệ thống lương thực đồng thời khuyến khích thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo chuyển đổi hệ thống lương thực có khả năng ứng phó những thách thức về an ninh lương thực trong tương lai.  

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 trên thế giới có gần 2,37 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực, tăng 320 triệu người chỉ trong vòng một năm. Báo cáo của FAO công bố cuối năm ngoái cho thấy châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tập trung tới hơn một nửa trong số 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt, tại Nam Á, số người bị đói dự kiến sẽ tăng lên tới 330 triệu trong vòng 10 năm tới.

5. Tranh cãi về việc triển khai mũi tiêm ngừa Covid-19 thứ 3

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới một lần nữa phản đối, yêu cầu để dành vaccine cho những nước chưa tiêm đủ. Mỹ, Israel và nhiều nước phát triển sẽ hoặc thậm chí đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân.

Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP

Phát biểu trong cùng cuộc họp báo, cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”. Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.

Chuyên gia WHO so sánh, việc tiêm mũi vaccine thứ 3 giống như đưa thêm áo phao cho những người đã mặc áo phao, trong khi những người chưa có chiếc áo phao nào để mặc bị chết đuối. Cũng theo WHO, cho đến nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy, các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa Covid-19 là cần thiết.

Trong khi đó, ngày 18-8, Chính phủ Mỹ thông báo kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 đại trà cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20-9. Lấy lý do hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, một số nước khác trên thế giới đã tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Đức, Pháp cũng cho biết sẽ triển khai mũi tiêm vaccine thứ 3 cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương vào tháng 9 tới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.