Thế giới tuần qua: Hệ lụy dai dẳng
Afghanistan bước vào một giai đoạn mới, nhưng đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc; tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine vẫn diễn biến căng thẳng; nhiều nước tìm cách thích nghi với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh không thể khống chế tuyệt đối dịch Covid-19... là những thông tin đáng chú ý của thế giới tuần qua.
1. Nguy cơ thảm hoạ nhân đạo ở Afghanistan
Người dân Afghanistan đang phải đối mặt rất nhiều thách thức, đặc biệt là nạn đói ngày càng nghiêm trọng.
Trong một phát biểu ngày 31-8, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho biết, 18 triệu người Afghanistan, chiếm gần một nửa dân số nước này, cần được viện trợ nhân đạo để sống sót. Cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người không có tiền để mua thực phẩm cho ngày hôm sau.
Trẻ em tị nạn tại cửa khẩu biên giới Afghanistan - Pakistan, ở Chaman, tây nam Pakistan, ngày 27-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Bà Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Afghanistan, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Nam Á này ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi nền kinh tế đang ở bên bờ vực sụp đổ. Giá lương thực đã tăng vọt, người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ giới hạn rút 200 USD mỗi tuần. Hiện 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Trong khi đó, bà Christine Cipolla, Giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá thiếu lương thực, mất an ninh nghiêm trọng và suy thoái kinh tế tại Afghanistan đang đẩy nhanh kịch bản hình thành dòng người tị nạn ồ ạt.
Hiện dịch vụ hàng không nhân đạo do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vận hành đang thực hiện các chuyến bay nhằm giúp 160 tổ chức nhân đạo có thể tiếp tục các hoạt động cứu mạng ở các tỉnh, thành Afghanistan.
Ngày 30-8, Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan. Về phía Taliban, lực lượng này đang chuẩn bị cho chính quyền mới tại Kabul. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Taliban cho biết, ông Baradar, người đứng đầu nhánh chính trị của Taliban, sẽ lãnh đạo chính phủ mới. Lãnh đạo tôn giáo tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, sẽ phụ trách các vấn đề tôn giáo và điều hành trong khuôn khổ đạo Hồi. Theo kế hoạch, trong vòng 6 đến 8 tháng, Hội đồng đại diện sẽ được thành lập để thảo luận về Hiến pháp và cấu trúc của chính phủ tương lai. Trong lúc này, Taliban vẫn vấp phải phản kháng dữ dội từ lực lượng NRF tại thung lũng Panjshir. Đây là tỉnh duy nhất Taliban chưa giành được quyền kiểm soát.
2. Cảnh báo việc nới lỏng phòng dịch tại các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Dù số ca nhiễm mới vẫn tăng nhanh ở hầu hết các nước trong khu vực, nhưng Indonesia và Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại các nhà hàng và trung tâm mua sắm để giảm bớt các tác động kinh tế của việc phong tỏa.
Một người bán hàng chuẩn bị món Pad Thái tại một quầy bán đồ ăn ở trung tâm mua sắm Siam Paragon tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 1-9. Ảnh: AFP |
Theo quy định mới, tại thủ đô Jakarta và một số khu vực trên đảo Java đông dân cư tại Indonesia, nhà hàng bên trong các khu mua sắm có thể mở cửa đón khách ở mức 50% công suất và các trung tâm mua sắm được phép mở cửa đến 21 giờ trong khi các nhà máy được phép hoạt động 100% công suất. Trong khi đó, Bangkok và 28 tỉnh, thành phố khác của Thái Lan từng nằm trong danh sách có các ổ dịch nghiêm trọng có thể được mở cửa trở lại, các nhà hàng và trung tâm mua sắm được đón khách từ 50-75% công suất và mở cửa đến 20 giờ.
Các biện pháp nới lỏng được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết nới lỏng các biện pháp phòng dịch lúc này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 còn rất thấp và tỷ lệ xét nghiệm ít trong khi tỷ lệ dương tính thường trên mức 5% mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Các tỷ lệ này của Indonesia là 12% và Thái Lan là 34%.
3. Tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine vẫn căng thẳng
Ngày 30-8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tiếp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine. Tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tập trung vào đối thoại và đàm phán.
Điều phối viên đặc biệt Wennesland cho biết tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine thời gian qua vẫn tiếp tục căng thẳng do các vụ bạo lực có xu hướng gia tăng, theo đó, số lượng người Palestine thương vong trong các vụ va chạm với lực lượng chức năng Israel ngày càng tăng. Trong tháng qua, các hoạt động truy lùng và bắt giữ của Israel tại Bờ Tây đã khiến 9 người thiệt mạng và hơn 280 người Palestine bị thương.
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: UN |
Tình hình tại Gaza cũng căng thẳng do các vụ thả bóng bay gây cháy và bắn rocket từ phía Gaza cũng như việc Israel bắn 37 quả tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng Hamas. Đặc phái viên kêu gọi các bên chấm dứt các hành động bạo lực và có biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Nhiều nước trong HĐBA LHQ thể hiện lập trường phản đối và kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, cũng như việc phá huỷ, tịch thu nhà cửa, tài sản của người Palestine. Một số nước nhắc lại lập trường phản đối việc bắn rocket về phía Israel.
Ngày 3-8, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa một thành viên nội các của Israel và nhà lãnh đạo Palestine kể từ năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố nước này sẽ có “những cử chỉ thiện chí” với Chính quyền Palestine. Ông Gantz cho biết hai bên đã nhất trí về một khoản vay trị giá 500 triệu Shekel (khoảng 155 triệu USD). Ngoài ra, Israel cũng sẽ công nhận tình trạng của hàng nghìn người Palestine sinh sống tại khu Bờ Tây.
4. Học sinh nhiều nước bắt đầu năm học mới
Ngày 1-9, học sinh nhiều nước trên thế giới đã tựu trường, bắt đầu năm học mới trong bối cảnh không ít nơi vẫn đang bị dịch Covid-19 bủa vây.
Tại Israel, khoảng 2,5 triệu học sinh đã đến trường trong ngày đầu tiên của năm học mới sau khi được xét nghiệm Covid -19. Bộ Giáo dục Israel khẳng định quyết tâm tạo điều kiện cho học sinh đến trường sau hơn một năm đứt quãng. Hiện nhóm lớp dưới lớp 4, tức dưới 12 tuổi, tại Israel vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid -19.
Tại Mông Cổ, do dịch bệnh nên không có lễ khai giảng chính thức nào. Các trường giáo dục phổ thông ở các khu vực được xếp là có nguy cơ cao sẽ luân phiên dạy và học trên lớp và ti vi hoặc trực tuyến hàng tuần; mỗi lớp ở tất cả các cấp không được phép quá 25 học sinh. Học sinh phải đeo khẩu trang, được kiểm tra nhiệt độ và vệ sinh tay mới được phép vào lớp học.
Học sinh Ấn Độ trong ngày tựu trường tại Hyderabad, ngày 1-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) cũng lần đầu tiên mở cửa lại trường học sau 1 năm rưỡi ngừng hoạt động do dịch Covid-19 đối với học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.
Trong khi đó đa số các nước châu Âu đều ưu tiên việc hoạt động bình thường, chỉ yêu cầu học sinh mắc Covid-19 nghỉ học và cách ly 10 ngày, học sinh tiếp xúc gần nhưng chưa tiêm vaccine nghỉ 7 ngày.
Theo vov.vn, hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên Pháp quay trở lại trường học trong tình trạng cảnh giác cao độ. Toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3 sẽ đến lớp học trực tiếp. Trong lớp học và không gian kín tại trường, giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 phải đeo khẩu trang. Từ cấp 1 trở xuống, nếu phát hiện một ca mắc Covid-19 trong lớp thì toàn bộ lớp sẽ nghỉ học cho đến hết hạn cách ly. Từ cấp 2 đến cấp 3, nếu có ca nhiễm thì những ca tiếp xúc đã tiêm vaccine sẽ vẫn đi học bình thường, học sinh nào chưa tiêm sẽ phải nghỉ học cách ly 7 ngày và học từ xa.
Một số bang tại Đức áp dụng các quy định y tế chặt chẽ hơn tại trường học, như yêu cầu tất cả học sinh đeo khẩu trang và tự xét nghiệm thường xuyên 2-3 lần mỗi tuần.
5. Chứng chỉ kỹ thuật số Covid của châu Âu giúp khôi phục 70% vận tải hàng không
Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU được thiết kế để tạo điều kiện đi lại an toàn giữa các nước trong khối trong thời kỳ đại dịch. Kể từ khi ra mắt vào tháng 7 vừa qua, tổng cộng đã có 400 triệu chứng chỉ được phát hành. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng ký tham gia sáng kiến này, trong đó 9 quốc gia không thuộc EU đã tham gia vào hệ thống.
Hành khách quét mã chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 tại sân bay Liege, Bỉ, ngày 16-6-2021. Ảnh: TTXVN |
Ngày 2-9, người phát ngôn của EC nhấn mạnh: "Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của EU là biểu tượng của một châu Âu cởi mở và an toàn. Nó đã mang lại cho du khách sự tự tin để đi du lịch an toàn trong Liên minh vào mùa Hè này. Nó cho phép các nhà chức trách và hãng hàng không dễ dàng hơn khi kiểm tra các giấy tờ cần thiết".
Theo người phát ngôn này, hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số toàn EU nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng xác minh giấy tờ thông hành, nhờ đó "các hãng hàng không đã quay trở lại hơn 70% lưu lượng hàng không, so với mức trước khủng hoảng".
Liên minh châu Âu (EU) coi chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của khối là một thành công vì đã khôi phục hơn 70% lưu lượng hàng không bị giảm do các hạn chế đi lại liên quan đến sự lây lan virus SARS-CoV-2.
(Theo qdnd.vn)