Thế giới tuần qua: "Tấm vé" trở lại nhịp sống bình thường
Các nước nỗ lực triển khai chính sách “thẻ xanh” Covid-19 giúp người dân trở lại nhịp sống bình thường; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tiến hành thử tên lửa đạn đạo; Australia và Mỹ tăng cường các hoạt động liên minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… là những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế tuần qua.
1. "Tấm vé" trở lại nhịp sống bình thường
Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Israel, "thẻ xanh" được gọi theo nhiều tên khác nhau ở mỗi nước, như chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19, hộ chiếu Covid-19, hộ chiếu vaccine, giấy thông hành y tế, thẻ an toàn, thẻ thông hành corona.
Du khách trình chứng nhận an toàn về COVID-19 khi tham quan Đấu trường La Mã tại Rome, Italy. Ảnh: AP/TTXVN |
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm phần lớn bản đồ thẻ xanh trên thế giới. “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid của EU” có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua sau. Một số nước thành viên đã triển khai "thẻ xanh" quốc gia của riêng mình tương thích với chứng nhận số của EU, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại nội khối. EU cũng nới lỏng những quy định trong việc cấp “thẻ xanh” nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ cao.
Tại Mỹ, những hình thức khác nhau của "thẻ xanh" Covid-19, như chứng nhận y tế điện tử hay hộ chiếu vaccine được áp dụng tại một số bang, trong đó có New York, California và Hawaii. Ở nước láng giềng Canada, tỉnh British Columbia vận hành hệ thống "Thẻ vaccine" điện tử từ ngày 13-9 cho người đã tiêm chủng ít nhất một mũi.
Tại châu Á, Trung Quốc đã phát hành chứng nhận y tế điện tử - một dạng "vaccine pass" thể hiện tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm còn hiệu lực của mỗi cá nhân. Nhiều địa điểm công cộng tại Trung Quốc đều yêu cầu người dân trình mã QR hợp lệ để được tiếp cận. Trong khi Hàn Quốc thông báo cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng và khôi phục hoạt động du lịch.
Các chuyên gia cho rằng "thẻ xanh" sẽ là xu thế của thế giới, trong bối cảnh các nước đều xác định cần tìm cách thích ứng, "sống chung an toàn với Covid-19" bởi chính sách "Không ca mắc Covid-19" đang cho thấy không khả thi trước sự xuất hiện của những biến thể siêu lây nhiễm.
Trên thực tế, chính sách "thẻ xanh" cũng đã giúp một số nước khôi phục những hoạt động kinh tế nhất định mang tính thiết yếu ở trong nước, đồng thời khai thông một số hoạt động kinh tế với bên ngoài, đặc biệt là du lịch hàng không.
2. Triều Tiên thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu hỏa, Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại
Ngày 16-9, Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng từ tàu hỏa nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết đây là cuộc thử nghiệm "hệ thống tên lửa trên tàu hỏa mới", được trung đoàn tên lửa đường sắt tiến hành, với mục tiêu ở khoảng cách 800km và đã thực hiện thành công. KCNA nhấn mạnh cuộc thử nghiệm này được tổ chức nhằm tăng khả năng ứng phó với hành động tấn công nhằm đe dọa Triều Tiên.
Triều Tiên thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng từ tàu hỏa ngày 15-9-2021. Ảnh: KCNA/TTXVN |
Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần trước, gọi đây là "một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn". Các chuyên gia phân tích cho biết tên lửa này có thể là vũ khí đầu tiên của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Đây có thể sẽ đánh dấu một bước tiến trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên, cho thấy khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ cao hơn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã triệu tập cuộc họp kín khẩn cấp về vụ phóng tên lửa đạn đạo này của Triều Tiên, bày tỏ quan ngại về mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh khu vực. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere nhấn mạnh: "Mỗi thành viên đều rất quan ngại trước tình hình đó. Đó là mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh, nó rõ ràng vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ". Ông cho biết các tên lửa đã rơi xuống "vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản". Theo ông De Riviere, cần một cuộc đối thoại chính trị, một giải pháp chính trị, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA.
Trong một diễn biến khác, Yonhap đưa tin, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 15-9 thông báo nước này đã phóng thử thành công từ một tàu ngầm, đưa Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tầm ngầm (SLBM) tự sản xuất.
3. Căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng, đụng độ xảy ra tại nhiều nơi ở Bờ Tây
Theo hãng tin Reuters, ngày 12-9, quân đội Israel thông báo đã không kích Dải Gaza sau khi Palestine bắn rocket sang lãnh thổ nước này. Căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng trong tuần qua, sau khi 6 tay súng Palestine trốn khỏi một nhà tù được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt tại Israel.
Lực lượng an ninh Israel được triển khai trong cuộc xung đột với người biểu tình Palestine tại thành phố Bethlehem, Khu Bờ Tây ngày 10-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, ngày 10-9, đã xảy ra các vụ đụng độ ở Bờ Tây liên quan tới vụ 6 tù nhân Palestine trốn khỏi nhà tù Gilboa của Israel. Trong số này có vụ một người Palestine bị bắn tử vong sau khi dùng dao đâm cảnh sát Israel tại thành cổ Jerusalem.
Ngoài ra, Tân Hoa xã đưa tin quân đội Israel thông báo trong đêm 11-9 (giờ địa phương), hệ thống phòng không nước này đã đánh chặn một quả rocket từ Dải Gaza bắn vào lãnh thổ nước này. Ngoài ra, quân đội Israel cho biết thêm trong đêm 10, rạng sáng 11-9, các chiến đấu cơ và trực thăng vũ trang của nước này đã tấn công một đồn quân sự, một nhà kho và một khu quân sự của Hamas.
Các vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh lực lượng Hamas, Phong trào thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) và các phe nhóm khác ở Palestine đã kêu gọi tổ chức "Ngày nổi giận 10-9” để phản đối việc Israel quyết định chuyển trại các tù nhân an ninh sau vụ vượt ngục ở nhà tù Gilboa vốn luôn được canh phòng cẩn mật.
4. Giới chuyên gia nhận định thời gian dịch Covid-19 kết thúc
Hãng tin Bloomberg dẫn ý kiến của các nhà khoa học cho rằng khác với những đại dịch trước đây, Covid-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn, dù rằng nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và thu được hiệu quả đối với chương trình tiêm vaccine. Giới khoa học đều cho rằng đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giáo sư Lone Simonsen - một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Roskilde ở Đan Mạch khẳng định: "Nếu không tiêm phòng, bạn sẽ giống như một mục tiêu dễ bị tấn công, vì virus sẽ lan rộng và tấn công hầu như tất cả mọi người vào mùa Thu và mùa Đông này".
Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không đi theo con đường giống như các đại dịch trong quá khứ. Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm mới có thể sản sinh ra những biến thể mới. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở bang Minneapolis, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận định "những đợt bùng phát này sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, nó sẽ giảm dần, có khả năng sẽ giảm xuống thấp. Và sau đó, rất có thể sẽ có đợt bùng phát khác vào mùa Thu và mùa Đông".
Theo giới chuyên gia, thế giới sẽ phải đối mặt với giai đoạn khó khăn trong 1 vài tháng tới và vaccine vẫn là "tấm khiên" hiệu quả bảo vệ con người trước sự tấn công của virus. Phó giáo sư về lịch sử y học thuộc Đại học Oxford Erica Charters cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào những thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau, giống như những đợt bùng phát trước đó. Do đó, các chính phủ sẽ phải tự quyết định việc có thể sống chung với dịch bệnh ở mức nào.
5. Australia và Mỹ nhất trí tăng cường hợp tác bố trí lực lượng
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 16-9 cho biết Australia và Mỹ đã đạt các thỏa thuận mới về bố trí lực lượng, theo đó sẽ tăng cường hợp tác trên không thông qua các hoạt động triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay quân sự của Mỹ đến Australia. Ông Peter Dutton nêu rõ hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc bố trí lực lượng, khả năng tương tác cũng như làm sâu sắc thêm các hoạt động liên minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Australia và Mỹ cũng đã thiết lập hệ thống kết hợp năng lực hậu cần để hỗ trợ các hoạt động tăng cường, trong đó có hậu cần cho tàu ngầm ở Australia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định hai bên đã nhất trí các sáng kiến về bố trí lực lượng chính, theo đó sẽ mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện của binh lính Mỹ tại Australia.
Đề cập quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tên gọi AUKUS, được công bố ngày 15-9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia khẳng định các quyết định của nước này liên quan tới tàu ngầm dựa trên lợi ích tốt nhất cho an ninh quốc gia.
Trong khuôn khổ AUKUS, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều này dẫn tới việc Australia rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, khiến Paris triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn.
(Theo qdnd.vn)