Chủ Nhật, 03/10/2021, 09:09 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thúc đẩy nỗ lực chung

ASEAN tiếp tục các nỗ lực triển khai các sáng kiến ứng phó Covid-19; tín hiệu tích cực nối lại đàm phán liên Triều, thúc đẩy cơ hội chính thức chấm dứt chiến tranh; thúc đẩy hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu… là những thông tin nổi bật của thời sự thế giới tuần qua.

1. ASEAN sẽ phân bổ đồng đều vaccine ngừa Covid-19 cho mỗi nước

Ngày 27-9, tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 7 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), các nước đã tập trung cập nhật tình hình và trao đổi các biện pháp thúc đẩy triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid-19 đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11-2020.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp này, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp này, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, triển khai kế hoạch sử dụng 10,5 triệu trong tổng số 20,8 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 mua vaccine cho các nước thành viên, hiện ASEAN đã cơ bản đạt được Thỏa thuận mua vaccine với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). ASEAN sẽ phân bổ đồng đều khoảng 100.000-250.000 liều vaccine cho mỗi nước tùy theo chủng loại vaccine, phấn đấu cung cấp lô vaccine đầu tiên trong quý 4-2021 và tiếp tục triển khai trong quý 1-2022.

Các nước ASEAN nhất trí cần đẩy nhanh tiến độ sớm đưa Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) vào vận hành trên thực tế. Ngoài ra, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), đồng thời nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng các thành quả đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi toàn diện và bền vững.

2. Mỹ, Hàn Quốc khẳng định không thù địch với Triều Tiên. Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa, bác đối thoại với Mỹ

Bất chấp các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, ngày 1-10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong các biện pháp để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, bao gồm cả hợp tác nhân đạo với Bình Nhưỡng. Seoul cho biết hợp tác nhân đạo có thể là biện pháp xây dựng lòng tin hiệu quả nhất. Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hỗ trợ nhân đạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để giúp đỡ những người Triều Tiên dễ bị tổn thương nhất.  

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 1-10 cũng nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tham gia tiến trình đối thoại với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Washington sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề” với Bình Nhưỡng.

Trong tháng 9 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Mới đây nhất là vụ thử tên lửa ngày 1-10, do Học viện khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển. Trước đó một ngày, Bình Nhưỡng cũng xác nhận đã phóng thử tên lửa siêu thanh mới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, tháng 9-2018. Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, tháng 9-2018. Ảnh: Yonhap

Ngày 25-9, trong một tuyên bố được đánh giá là tín hiệu tích để nối lại đối thoại liên Triều, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cho biết Triều Tiên có thể tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) như đề xuất của Hàn Quốc và thậm chí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nếu như “sự công bằng” và tôn trọng lẫn nhau được bảo đảm. Bà Kim Yo-jong đồng thời cho rằng cần phải có “những điều kiện đúng đắn” trước khi tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, ví dụ như dỡ bỏ “chính sách thù địch liên miên và các tiêu chuẩn kép không công bằng” đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ngày 1-10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã bác yêu cầu của Triều Tiên về việc Hàn Quốc và Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch”, gọi đây là hành động “đơn phương,” đồng thời nhắc lại rằng Seoul và Washington không có chính sách như vậy đối với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc đánh giá tuyên bố của bà Kim Yo-jong kêu gọi ngừng áp dụng các tiêu chuẩn kép là yêu sách đơn phương của Triều Tiên, nhấn mạnh Hàn Quốc và Mỹ không có chính sách thù địch với Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, ngày 30-9, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết nhằm thúc đẩy cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, đường dây nóng liên Triều sẽ được nối lại từ đầu tháng 10. Bình Nhưỡng cũng bác bỏ đề xuất đối thoại của Mỹ, cho rằng đề nghị đối thoại vô điều kiện của Mỹ không mang tính thực chất.

Cũng liên quan đến tình hình Triều Tiên, phiên họp khẩn rạng sáng 2-10 theo giờ Việt Nam, được tổ chức theo hình thức họp kín, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể đưa ra tuyên bố chung sau do vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc.

3. Cơ hội đưa ra hành động khẩn cấp toàn cầu

Ủy ban Chuyển đổi năng lượng (ETC) - liên minh toàn cầu gồm các giám đốc điều hành cấp cao của 40 nhà sản xuất năng lượng, công ty công nghiệp và tổ chức tài chính vừa đề xuất 6 hành động cần được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới và thực hiện ngay để thế giới có được 50% cơ hội hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và 90% cơ hội kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C.

Hàng tỷ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan hơn, gây xáo trộn khí hậu Trái Đất trong nhiều thập kỷ tới. Nguồn: AFP/TTXVN
Hàng tỷ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan hơn, gây xáo trộn khí hậu Trái Đất trong nhiều thập kỷ tới. Nguồn: AFP/TTXVN

ETC cho biết thêm các hành động này gần như không tốn kém hoặc chi phí thấp và các nước giàu, phát triển có khả năng tự chi trả, trong khi các nước thu nhập thấp nếu cần thực hiện thì các nước giàu phải hỗ trợ chi phí. Báo cáo của ETC nhấn mạnh COP26 phải được coi là cơ hội để khởi động một sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải hằng năm ở mức ít nhất 150 triệu tấn vào năm 2030”.

Theo ETC, trước hết cần ngăn chặn nạn phá rừng và thực hiện tái trồng rừng vì nếu tình trạng phá rừng chấm dứt, đến năm 2030 có thể loại bỏ 3,6 gigatonnes CO2 phát thải hằng năm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình loại bỏ sản xuất điện than. Theo đó, cần có một thỏa thuận quốc tế về việc không xây dựng các nhà máy than mới. Các nước cũng cần đạt được thỏa thuận cấm bán các loại xe hạng nhẹ động cơ đốt trong vào năm 2035, kết hợp hạn chế sử dụng những loại xe này, hướng tới 20% số ô tô chạy trên đường dùng động cơ chạy điện, nhờ đó giảm 2 gigaton CO2 vào năm 2030. Các phương tiện giao thông nặng, công nghiệp nặng và các tòa nhà cũng cần được khử cacbon nhanh hơn và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Năm 2015, các quốc gia đã đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C và theo đuổi các nỗ lực để giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ hạn chế những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu.  

4. Hoạt động sản xuất đình trệ trên diện rộng tại châu Á

Hoạt động sản xuất của châu Á đã bị đình trệ trên diện rộng trong tháng 9, khi các nhà máy phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 và các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực lên các nền kinh tế trong khu vực.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số quốc gia từng hứng chịu sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 do biến thể Delta đã có sự cải thiện trong hoạt động sản xuất, như Indonesia và Ấn Độ. Tuy nhiên, hoạt động chế tạo trong tháng 9 vừa qua đã suy giảm ở Malaysia, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong 7 tháng ở Nhật Bản, do tình trạng thiếu chip và gián đoạn nguồn cung đã làm tăng thêm gánh nặng cho khu vực vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau đại dịch do sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 và sự gia tăng đột biến số ca mắc mới bởi biến thể Delta, qua đó làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và sản xuất của các nhà máy.

5. Facebook đối mặt án phạt tại Nga vì không xóa nội dung bị cấm

Nhật báo Vedomosti số ra ngày 30-9 đưa tin Cơ quan giám sát thông tin Nga (Roskomnadzor) có thể phạt mạng xã hội Facebook tới 10% doanh thu hằng năm của hãng này tại Nga vì tiếp tục không tuân thủ quy định của nhà chức trách Nga về việc xóa những nội dung bị cấm.  

Vedomosti dẫn nguồn tin từ các chuyên gia cho rằng doanh thu hằng năm của Facebook tại Nga đạt khoảng 12 tỷ ruble (165 triệu USD). Trong năm nay, Roskomnadzor đã nhiều lần phạt Facebook vì không xóa nội dung bị cấm tại Nga với số tiền lên đến 43 triệu ruble. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Facebook chưa nộp số tiền phạt này.

Facebook có thể bị phạt từ 5% đến 10% doanh thu hằng năm tại Nga. Nguồn: Reuters
Facebook có thể bị phạt từ 5% đến 10% doanh thu hằng năm tại Nga. Nguồn: Reuters

Ngày 29-9, Nga cũng cảnh báo sẽ khóa nền tảng chia sẻ video trực tuyến YouTube tại nước này sau khi YouTube chặn các kênh tiếng Đức của hãng truyền thông Nga RT. Roscomnadzor đã gửi thư cho Google, đơn vị chủ quản của YouTube, yêu cầu gỡ bỏ mọi hạn chế đối với các kênh RT DE và Der Fehlender Part trong thời gian sớm nhất có thể. Roscomnadzor cảnh báo nếu YouTube không thực hiện yêu cầu trên sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 1-3 triệu ruble.

Hiện Nga đang siết chặt các quy định đối với nhiều tập đoàn công nghệ và mạng xã hội; xem xét luật quy định các công ty công nghệ nước ngoài phải mở văn phòng đại diện tại nước này, trong đó có Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, YouTube, Gmail, Google, Amazon.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.