.

Australia không tham gia cam kết toàn cầu về loại bỏ điện than

Cập nhật: 07:02, 06/11/2021 (GMT+7)

Australia cùng với Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc sẽ chấm dứt hoặc ấn định thời hạn loại bỏ điện than.

Nguồn: reneweconomy.com.au
Nguồn: reneweconomy.com.au

Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ngày 4/11, Australia đã không tham gia vào cam kết toàn cầu về loại bỏ dần điện than, với lý do nước này sẽ tập trung vào phát triển công nghệ thay vì “xóa bỏ các ngành công nghiệp.”

Hơn 40 quốc gia, trong đó có cả các quốc gia sử dụng điện than nhiều nhất thế giới đã tích cực vận động và cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng điện than - vào năm 2030 đối với các quốc gia phát triển và năm 2040 với các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia và tổ chức lớn, bao gồm Mỹ, Canada và Anh, cũng cam kết không cấp tài chính cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm sau.

Tuy nhiên, Australia cùng với Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc sẽ chấm dứt hoặc ấn định thời hạn loại bỏ điện than.

Phát biểu với báo giới địa phương, Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor, đại diện của Australia tham gia các cuộc họp Ngày năng lượng của COP26,  nhấn mạnh trọng tâm của nước này không phải là xóa bỏ các ngành công nghiệp.

Ông nói Australia ưu tiên vào việc phát triển các công nghệ phát thải thấp và thúc đẩy để mọi doanh nghiệp và đối tác nước ngoài trên khắp thế giới áp dụng công nghệ này nhằm tạo ra hiệu quả giảm phát thải.

Việc phổ biến công nghệ mới không thể xảy ra trong “một sớm, một chiều” và Australia sẽ tự đi trên con đường riêng của mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 2/11, Australia cũng đã từ chối tham gia vào cam kết giảm phát thải khí methane, một trong những cam kết toàn cầu quan trọng của COP26.

Tại COP26, kế hoạch không phát thải ròng vào năm 2050 của Australia đã vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, các nhà hoạt động vì môi trường và nhiều chuyên gia, vì không bao gồm các chính sách mới, nhằm hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải nhiều hơn trong ngắn hạn, cụ thể là vào năm 2030.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/11, Bộ trưởng Tài nguyên Keith Pitt thông báo Australia bắt đầu thực hiện tham vấn cộng đồng về 10 khu vực tiềm năng có thể được mở để khai thác dầu khí ngoài khơi mới của Australia.

Thông báo này trùng hợp với một báo cáo mới nhất của tổ chức chuyên về khí hậu Climate Analytics.

Báo cáo cho biết việc dựa vào khí đốt để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sưởi ấm, điện và nấu ăn đang biến mặt hàng này thành “than mới” tại Australia. Việc sử dụng khí đốt trên toàn thế giới cần phải được cắt giảm gần 1/3, ngay trong thập kỷ này, để tránh những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến khí hậu.

Khí đốt thường được mô tả là chỉ thải ra một nửa lượng khí độc hại so với than khi đốt cháy. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của khí đốt đối với khí hậu thậm chí còn lớn hơn nhiều, do hiện tượng rò rỉ khí methane.

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann ngày 4/11 đã có bài phát biểu tại COP26 kêu gọi các quốc gia ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Cormann cho biết cần phải có “hành động chính sách toàn diện hơn về khí hậu” để biến tham vọng chính trị gia tăng, được thể hiện rõ nét tại COP26, trở thành “kết quả thực sự.” Điều đó bao gồm việc phải loại bỏ ngay các “biến dạng” làm chuyển hướng đầu tư khỏi quá trình chuyển đổi sang không phát thải ròng.

Dữ liệu của OECD chỉ ra rằng hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch tại 50 nền kinh tế phát triển và mới nổi đã tăng 5% vào năm 2020, một phần do các gói cứu trợ của chính phủ dành cho các công ty dầu và điện nhà nước.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/australia-khong-tham-gia-cam-ket-toan-cau-ve-loai-bo-dien-than/751173.vnp)

.
.
.