Chủ Nhật, 07/11/2021, 16:22 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Hy vọng bước tiến lớn về chống biến đổi khí hậu

Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cùng với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu là hai chủ đề nổi bật trong tuần.

Các đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2-11-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2-11-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hy vọng về bước tiến lớn trong nỗ lực cứu phó biến đổi khí hậu toàn cầu

Diễn ra từ 31/10-12/11 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, COP26 được xem là cột mốc quan trọng để thế giới thể hiện sự đoàn kết cùng với những cam kết mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất về chống biến đổi khí hậu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh COP25 (năm 2019) đã không thể tạo ra được kết quả như kỳ vọng, khi chưa thể giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm nhưng vẫn đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Còn trên thực tế, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch. Trước thềm khai mạc COP26, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức trước khi quá muộn, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là “bước ngoặt của nhân loại”.

Đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan về hội nghị lần này. Ngày 2/11, lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030 trong khuôn khổ COP26. Các nước này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu. Cam kết được hỗ trợ bởi hơn 19 tỷ USD trong các quỹ công và tư cho kế hoạch được sự ủng hộ từ nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Congo, Indonesia, Nga và Mỹ.

Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận này trong phát biểu khởi động cuộc họp về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26. Ông khẳng định thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đến ngày 3/11, hơn 80 nước, trong đó có Mỹ, liên minh châu Âu đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030. Đây được xem là một trong những cam kết khí hậu quan trọng nhất cho đến nay tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

"Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm từ nay đến năm 2030 để giữ được nhiệt độ tăng trong 1,5°C là giảm lượng khí thải methane càng sớm càng tốt", Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến mục tiêu trọng tâm của Thỏa thuận Paris 2015. Ông gọi đây là một "cam kết thay đổi cuộc chơi" bao gồm các quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí methane toàn cầu.

Một một tiêu chí khác để đánh giá mức độ thành của COP26 là thích ứng tài chính đối với biến đổi khí hậu, cụ thể là việc các quốc gia phát triển thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD/năm, từ 2020-2025, để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến này. Đây được coi là chủ đề phức tạp, nhạy cảm. Trên thực tế, các nước phát triển đã không đạt được mục tiêu huy động nguồn tài chính trong năm 2020, thiếu khoảng 20 tỷ USD, và cũng rất khó đạt được mục tiêu đã đề ra từ nay đến hết năm 2023. Cam go sẽ còn lớn hơn, khi một số quốc gia đang phát triển tại COP26 yêu cầu khoản đóng góp, hỗ trợ đó sau năm 2030 phải là 1.300 tỉ USD/năm.

Thế giới chưa thể chủ quan về COVID-19

Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tốc độ lây lan COVID-19 ở châu Âu là rất đáng quan ngại, lsg lời cảnh tỉnh cho cả thế giới.

Chú thích ảnh Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Chú thích ảnh Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11, Giám đốc WHO đặc trách khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định tốc độ dịch bệnh lây lan tại 53 nước châu Âu “rất đáng lo ngại”. Ông cũng cho biết số ca nhiễm mới tại nhiều nước trong khu vực này đang ở gần mức kỷ lục. Tình hình trầm trọng hơn bởi sự xuất hiện, lây lan của biến thể Delta. Giám đốc WHO châu Âu cảnh báo khu vực này sẽ có thêm 500.000 người chết vì COVID-19 từ nay tới tháng 2/2022 nếu thiếu biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp báo, giới chức WHO lưu ý số ca nhiễm mới COVID-19 tại châu Âu đã tăng 55% trong 4 tuần vừa qua, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh. Đây thực sự là sự cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nhìn nhận một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn mong đợi dù sở hữu số lượng lớn vaccine sẵn sàng để tiêm. Đây là "một phát súng cảnh báo để thế giới theo dõi những gì đang xảy ra ở châu Âu".

Trong tuần qua, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng với tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua là 1,67 triệu ca, tăng 9% so với tuần trước đó. Số ca tử vong vì COVID-19 tại đây cũng tăng 12% trong cùng giai đoạn. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu do thời tiết châu lục này đang ngày càng lạnh hơn - thời điểm thích hợp để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây lan.

Nga trong ngày 6/11 ghi nhận 41.335 ca mắc mới - mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài Nga, một số nước châu Âu khác như Ba Lan, Áo, Séc, Hy Lạp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua, với mức tăng từ 47% đến 65%.

Dịch bệnh cũng có dấu hiệu lan rộng ở ngay cả những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao. Đức ghi nhận hơn 37.000 trường hợp mắc COVID-19 vào hôm 5/11, mức cao kỷ lục. Các quan chức y tế công cộng Đức lo ngại rằng đợt lây nhiễm này có thể khiến nhiều người chết và gây áp lực lên hệ thống y tế. Tại Áo, số ca COVID-19 mới hàng ngày đã tăng lên gần mức kỷ lục cách đây một năm. Trong khi đó, tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Anh đã tăng lên mức cao nhất vào tháng 10 vừa qua. Phần lớn là vì số ca bệnh ở trẻ em tăng cao và đợt bùng dịch ở phía tây nam nước này.

Pháp trong tuần có số ca mắc mới tính trung bình theo ngày là 6.646 ca. Số ca mắc tăng 34% so với hai tuần trước, trong khi số ca tử vong tăng 9%. Riêng trong ngày 4/11, Pháp có tới 9.502 ca nhiễm mới COVID-19. Một dấu hiệu khác cho thấy virus đang hoành hành trở lại là số bệnh nhân phải điều trị tích cực tăng 3 ca trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 1.099 ca và tăng 62 ca trong vòng một tuần.

Bỉ cũng ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại các mức đã khiến nước này phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10/2020. Trước tình hình này, Mỹ đã khuyến cáo công dân không nên đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ.

Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 đã vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là "nguy cơ trung bình", chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống "nguy cơ thấp". Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại.

(Theo baotintuc.vn)

.
.
.