Chính phủ Nhật Bản đề xuất các phương án về việc kế vị ngôi Nhật hoàng
Hiện chỉ có 3 người trong hoàng gia đáp ứng đủ điều kiện kế vị là em trai Nhật hoàng - Thái tử Fumihito (56 tuổi), cháu trai - Hoàng tử Hisahito (16 tuổi) và Hoàng thân Hitachi (86 tuổi).
Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Ảnh: AFP |
Ngày 22-12, ủy ban chuyên trách của chính phủ Nhật Bản đã trình lên Thủ tướng Kishida Fumio báo cáo về việc đảm bảo ngôi vị Nhật hoàng được kế thừa ổn định.
Báo cáo của Ủy ban trên đã đề xuất 2 phương án. Các thành viên nữ trong hoàng tộc sẽ được phép giữ lại tước vị khi kết hôn với thường dân; hoặc hoàng gia sẽ nhận nuôi hậu duệ nam của các thành viên nam trước đây thông qua việc điều chỉnh Luật Hoàng gia năm 1947, qua đó giúp giải quyết vấn đề số người đủ điều kiện kế vị ngày càng giảm.
Tuy nhiên, ủy ban trên không đề cập đến việc liệu phụ nữ trong hoàng tộc hay các thành viên theo họ mẹ trong hoàng gia có được phép kế vị hay không, khẳng định vấn đề này nên được xem xét trong tương lai, bất chấp việc Quốc hội kêu gọi chính phủ nhanh chóng thảo luận về cách thức đảm bảo việc kế vị ổn định trong một nghị quyết không ràng buộc năm 2017.
Luật Hoàng gia Nhật Bản quy định chỉ có nam giới có cha là người trong hoàng tộc được phép kế vị.
Hiện chỉ có 3 người trong hoàng gia đáp ứng đủ điều kiện này là em trai Nhật hoàng - Thái tử Fumihito (56 tuổi), cháu trai - Hoàng tử Hisahito (16 tuổi), Hoàng thân Hitachi (86 tuổi).
Theo báo cáo, ủy ban trên kết luận rằng các cuộc thảo luận về quyền kế vị nên được lùi lại cho đến khi Hoàng tử Hisahito đến tuổi kết hôn và việc tranh luận vào thời điểm này có thể ảnh hưởng đến ngai vàng.
Luật hiện nay quy định các thành viên nữ trong hoàng gia sẽ phải rời hoàng tộc sau khi kết hôn với thường dân, song dự thảo đề xuất họ nên được tự do lựa chọn việc giữ lại tước vị hay không.
Trong trường hợp phương án trên không giúp đảm bảo hoàng gia có đủ số hậu duệ cần thiết, ủy ban cho rằng nên xem xét điều chỉnh luật để cho phép nam hậu duệ từ các nhánh cũ trở thành thành viên của hoàng gia.
Thủ tướng Kishida cho biết ông tôn trọng các kết luận được đưa ra trong cuộc thảo luận của ủy ban và trình báo cáo này lên Quốc hội. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cần cân nhắc xem đề xuất này có đi ngược lại với Hiến pháp và nguyện vọng của những người liên quan hay không.
Hiện Chính phủ Nhật Bản chưa xác nhận ý kiến của 11 nhánh cũ của hoàng gia, những người đã phải từ bỏ tước vị vào năm 1947, hai năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-nhat-ban-de-xuat-cac-phuong-an-ve-viec-ke-vi-ngoi-nhat-hoang/764706.vnp)