Thứ Sáu, 11/02/2022, 14:25 (GMT+7)
.

Đàm phán của nhóm Normandy về Ukraine không đạt kết quả

Nhà đàm phán Nga Dmitry Kozak nhấn mạnh rằng các đại diện của Đức và Pháp tuy hỗ trợ kế hoạch hòa bình, song "rất tiếc" là họ đã không hối thúc Ukraine thực thi các điểm cần triển khai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Brussels (Bỉ), ngày 15-12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Brussels (Bỉ), ngày 15-12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khoảng 9 giờ đàm phán tại thủ đô của Đức, đại diện nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đã kết thúc cuộc gặp mà không đạt được kết quả cụ thể.

Trong khi đó, đại diện phía Nga kêu gọi các nhà trung gian cần gây sức ép mạnh hơn nữa để Ukraine thực thi các thỏa thuận đã đạt được.

Phát biểu sau khi cuộc gặp tại Berlin kết thúc, nhà đàm phán của Nga Dmitry Kozak nhấn mạnh rằng các đại diện của Đức và Pháp tuy hỗ trợ kế hoạch hòa bình, song "rất tiếc" là họ đã không hối thúc Ukraine thực thi các điểm cần triển khai.

Theo nhà đàm phán Nga, kế hoạch hòa bình được phía chính phủ Ukraine diễn giải khác với chính phủ Nga. Cũng giống như tại cuộc gặp ở Paris (Pháp) cuối tháng 1/2022, ông Kozak cho rằng giới lãnh đạo ở Kiev không có bất kỳ ý tưởng nào về tương lai của khu vực xung đột Donbass ở Ukraine. Đại diện của Nga cho rằng việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là điều kiện tiên quyết để giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Nhà đàm phán của Ukraine Andriy Yermak cũng cho biết cuộc đàm phán tại Berlin đã không đạt được tiến triển, song việc đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong nhiều ngày qua đã là một kết quả tốt. Cho tới nay, phía chính phủ Ukraine vẫn từ chối đối thoại với các nhà lãnh đạo ở Luhansk và Donetsk thuộc miền Đông Ukraine.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine tới nay đã làm trên 14.000 người thiệt mạng, chủ yếu thuộc các khu vực đòi độc lập.

Các nước châu Âu thúc đẩy giải pháp hòa bình trong vấn đề Ukraine

Cũng liên quan đến tình hình an ninh tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10/2 tuyên bố nước này muốn ngăn chặn xung đột, ủng hộ đối thoại, duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu.

Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc họp báo trước khi ông Scholz tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo 3 quốc gia vùng Baltic gồm Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh Berlin cũng như các nước Baltic đã nhất trí mục tiêu đảm bảo hòa bình ở châu Âu và cuộc gặp tại Phủ thủ tướng ở Berlin sẽ xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine và cách thức phản ứng với Nga.

Ông đánh giá cao việc trực tiếp thảo luận và phân tích cùng các nhà lãnh đạo ba nước Baltic về tình hình hiện nay, nhất là liên quan tới lợi ích an ninh của ba nước cũng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Ông Scholz thừa nhận các nước Baltic là những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động quân sự đáng lo ngại trong khu vực giáp biên giới Ukraine cũng như ở Belarus.

Đối với Nga, Thủ tướng Đức kêu gọi Mosvka có bước đi rõ ràng nhằm giảm căng thẳng hiện nay trong khu vực, đồng thời kêu gọi sẵn sàng tham gia đối thoại nghiêm túc với Nga về các vấn đề an ninh ở châu Âu, trong đó NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã có những đề xuất cụ thể với Nga.

Thủ tướng Scholz cho biết bản thân ông sẽ tiếp tục tìm kiếm nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang khi vào tuần tới ông sẽ tới Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và ngày sau đó tới Moskva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhóm binh sỹ tăng cường của Mỹ tới thành phố Wiesbaden (Đức) ngày 4-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhóm binh sỹ tăng cường của Mỹ tới thành phố Wiesbaden (Đức) ngày 4-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio ngày 10/2 cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra về an ninh ở châu Âu, nhằm khôi phục lòng tin giữa Nga và NATO. Thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Di Maio và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Ngoại trưởng Di Maio khẳng định để đạt được mục tiêu trên, ông đã hối thúc người đồng cấp Nga đưa ra phản hồi về các câu trả lời do NATO đưa ra và tiếp tục các cuộc thảo luận thông qua các cuộc họp mới của Hội đồng Nga-NATO. Ngoại trưởng Italy cũng tái khẳng định ưu tiên tìm kiếm giải pháp bền vững dựa trên việc thực thi Thỏa thuận Minsk cho vấn đề Ukraine.

Cùng ngày 10/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông hy vọng châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nhờ "chính sách ngoại giao kiên nhẫn.” Người đứng đầu chính phủ Anh đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels.

Trong khi đó, ông Stoltenberg cho biết ông đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong đó nhắc lại lời mời tiếp tục đối thoại trong khổ Hội đồng Nga-NATO nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/dam-phan-cua-nhom-normandy-ve-ukraine-khong-dat-ket-qua/772473.vnp)

.
.
.