Mỹ hối thúc đàm phán trực tiếp với Iran về vấn đề hạt nhân
Theo quan chức Mỹ, chương trình hạt nhân của Iran đã gần đạt được "bước đột phá" về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, do vậy chỉ còn "vài tuần" để đạt được một thỏa thuận có thể tạm dừng chương trình.
Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thời gian không còn nhiều cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và thúc giục Tehran đồng ý đàm phán trực tiếp để giúp xây dựng một thỏa thuận.
Hãng tin AFP dẫn lời quan chức trên cho biết chương trình hạt nhân của Iran đã gần đạt được "bước đột phá" về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, do vậy chỉ còn "vài tuần" để đạt được một thỏa thuận có thể tạm dừng chương trình và giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Quan chức này nhấn mạnh Mỹ và Iran cần gặp gỡ trực tiếp nhằm đạt được sự hiểu biết nhanh chóng. Ông nói: "Đây là quan điểm của chúng tôi ngay từ đầu: Chúng tôi sẵn sàng gặp Iran nếu họ sẵn sàng gặp chúng tôi."
Vòng đàm phán mới nhất tại Vienna, Áo nhằm cứu vãn Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn gọi là JCPOA, đã bị tạm dừng vào tuần trước, với việc điều phối viên của Liên minh châu Âu kêu gọi "các quyết định chính trị" để phá vỡ thế bế tắc.
Theo JCPOA, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết đối với thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận này đã được khởi động trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, song Washington chỉ tham gia gián tiếp.
Một tuần trước, Iran lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ. Washington cũng nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng hội đàm "khẩn cấp."
Trong một diễn biến liên quan, ngày 31/1, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã chuyển hoạt động sản xuất của mình sang cơ sở khác, một tháng sau khi hai bên giải quyết được tranh cãi xung quanh về việc lắp đặt lại camera bị hư hại tại một xưởng sản xuất linh kiện máy ly tâm.
Trong một tuyên bố, IAEA cho biết Iran đã thông báo về việc sẽ sản xuất các linh kiện ở thành phố Isfahan thay vì tại tổ hợp hạt nhân TESA ở Karaj, phía Tây thủ đô Tehran.
Theo IAEA, các thanh sát viên của cơ quan này đã lắp đặt camera giám sát ở Isfahan vào ngày 24/1 và hoạt động sản xuất các linh kiện ở đó vẫn chưa bắt đầu..
Hồi tháng 6/2021, xưởng sản xuất linh kiện máy ly tâm ở tổ hợp TESA ở Karaj đã trở thành mục tiêu bị phá hoại mà Iran cáo buộc do Israel tiến hành.
Một trong 4 camera của IAEA đã bị hỏng trong vụ tấn công này. Sau vụ phá hoại, Iran đã dỡ bỏ toàn bộ 4 máy camera và cuộn băng của camera bị phá hoại vẫn chưa tìm thấy.
Các cường quốc phương Tây và IAEA đã yêu cầu Iran lắp lại các camera. Sau một tháng bất đồng có nguy cơ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán hạt nhân, Iran đã đồng ý cho IAEA lắp lại các camera hồi tháng trước.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/my-hoi-thuc-dam-phan-truc-tiep-voi-iran-ve-van-de-hat-nhan/771199.vnp)