.

Chuyên gia: EU đứng trước nhiều khó khăn khi thiếu khí đốt của Nga

Cập nhật: 17:23, 29/03/2022 (GMT+7)

Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro tăng mạnh trong tháng Hai, lên mức kỷ lục 5,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng trước những lo ngại về tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đến nguồn cung.

Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà kinh tế Mikhail Khazin cho rằng nếu không có khí đốt của Nga, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ông Khazin đã đưa ra viễn cảnh tồi tệ của châu Âu khi thiếu khí đốt của Nga. Ông Khazin nói: "Rắc rối là các nhà máy sản xuất phân bón của châu Âu đã bắt đầu đóng cửa, điều này có nghĩa là sẽ có một vụ thu hoạch với sản lượng ít hơn và giá nông sản cũng tăng. Và sau đó nhiều doanh nghiệp cần khí đốt cho sản xuất sẽ bắt đầu từ chối (vì giá cao).

Hơn nữa, các công ty sẽ bắt đầu cố gắng sản xuất điện không phải từ khí đốt, vốn đang trở nên rất đắt đỏ, mà chuyển sang dùng than chẳng hạn. Đức sẽ phải khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Toàn bộ chương trình nghị sự xanh sẽ 'vứt xuống cống."

Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (EU) Eurostat hồi đầu tháng này cho hay, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng mạnh trong tháng Hai, lên mức kỷ lục 5,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng.

Lạm phát của Eurozone tăng từ mức 5,1% trong tháng Một, khi giá dầu và khí đốt tăng vọt, do những lo ngại về tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đến nguồn cung.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock từng cảnh báo rằng, nếu Đức dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga thì hoạt động giao thông, kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng bất lợi ngay lập tức và "nước Đức có thể không có điện trong vài ngày."

Điều này có nghĩa là Nga đã "ghi điểm" vì khiến hoạt động kinh tế của các nước khác gặp khó khăn.

Giới quan sát cho rằng xung đột Nga-Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng châu Âu, song quy mô và tác động lâu dài của những thay đổi vẫn chưa hề rõ ràng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nếu Nga cắt giảm sản lượng dầu do các công ty tránh hàng xuất khẩu từ nước này và nhu cầu nội địa đi xuống.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-eu-dung-truoc-nhieu-kho-khan-khi-thieu-khi-dot-cua-nga/780792.vnp)

.
.
.