Thứ Sáu, 25/03/2022, 21:14 (GMT+7)
.

NATO tái khẳng định sẽ không điều máy bay hay quân đội đến Ukraine

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh các điều kiện an ninh ở châu Âu lúc này đã thay đổi hoàn toàn, đòi hỏi phải "thiết lập lại" chiến lược phòng thủ và răn đe của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 24/3 tại Brussels, Bỉ trong bối cảnh khá đặc biệt, tròn 1 tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Như tuyên bố của người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg, nhiệm vụ của liên minh quân sự lúc này là xem xét lại vị trí của mình bởi NATO phải thích ứng với thực tế an ninh mới trên lục địa châu Âu.

Tăng cường an ninh sườn Đông và tiếp tục theo đuổi mục tiêu về ngân sách quốc phòng - những cam kết được đưa ra tại hội nghị lần này không mới, đều là những điều mà NATO chưa thực hiện được sau nhiều năm.

Có lẽ một phần đây là giải pháp tình thế của NATO lựa chọn sau 1 tháng chứng kiến xung đột, nhưng mặt khác cũng cho thấy NATO nhận thức rõ đây là vấn đề cốt lõi và giờ là lúc thực hiện để lấy lại sức mạnh nội khối và vị trí đang bị coi là "nhạt nhòa."

Trong buổi gặp gỡ báo chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh các điều kiện an ninh ở châu Âu lúc này đã thay đổi hoàn toàn, đòi hỏi phải "thiết lập lại" chiến lược phòng thủ và răn đe của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nước thành viên tán thành việc thành lập 4 nhóm tác chiến mới, với ít nhất 1.000 binh sĩ đồn trú ở Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia. Lực lượng này bổ sung cho 4 nhóm chiến đấu đã được triển khai ở các quốc gia Baltic là Estonia, Latvia, Litva và ở Ba Lan. Các nước cũng nhất trí tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn, củng cố các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không.

Tại hội nghị lần này, các nước NATO cũng khẳng định phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2024, vốn chậm trễ đã lâu.

Theo một nhà ngoại giao châu Âu, việc đẩy mạnh cam kết này vào thời điểm hiện nay là cần thiết khi khủng hoảng cho thấy việc củng cố khối quân sự phải đảm bảo tính bền vững trong nhiều năm.

Nói cách khác, bối cảnh hiện tại buộc NATO phải xốc lại chính mình, đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Như tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith, hội nghị thượng đỉnh NATO chính là "thời khắc của quyết tâm và sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương."

Tuy nhiên, NATO vẫn đóng cánh cửa với Ukraine, dù đây là lý do chính mà các nước đưa ra để cùng ngồi vào bàn nghị sự, đồng thời một lần nữa loại trừ việc gửi quân đến Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của liên minh.

Binh sỹ tham gia cuộc tập trận Cold Response 22 của NATO tại Setermoen, Na Uy, ngày 22-3-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sỹ tham gia cuộc tập trận Cold Response 22 của NATO tại Setermoen, Na Uy, ngày 22-3-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố chung, các nước thành viên NATO tái khẳng định cam kết tiếp tục viện trợ cả về mặt quân sự và nhân đạo cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh có trách nhiệm bảo đảm cuộc xung đột ở Ukraine không leo thang.

Đáp lại lời kêu gọi cung cấp vũ khí tấn công mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trong phát biểu trực tuyến tại hội nghị, cụ thể là gửi cho Kiev "1% tổng số máy bay chiến đấu, 1% tổng số xe tăng của NATO," Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nhưng không phải một phần của cuộc xung đột. NATO sẽ không điều quân đến Ukraine."

Ông Jens Stoltenberg cũng nhắc lại rằng “NATO sẽ không điều quân đội hay máy bay đến Ukraine." Trước đó, NATO cũng không đáp lại khi Tổng thống Zelensky kêu gọi áp dụng vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine.

Lâu nay, Nga vẫn phản đối việc NATO mở rộng về phía Đông, đặc biệt, việc NATO kết nạp Ukraine được Moskva coi là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua. Có thể nói, việc NATO củng cố an ninh ở sườn Đông là nguyên nhân sâu xa đẩy tới căng thẳng bùng phát giữa phương Tây và Nga.

Tuy nhiên, ngoài việc liên tục điều quân và vũ khí tới các nước thành viên là láng giềng của Nga với lý do củng cố an ninh ở khu vực phía Đông, NATO cũng thể hiện bằng cả hành động và lời nói rằng không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Moskva, ngay cả khi xung đột đã bùng phát tại Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tuyên bố "NATO không phải là một phần của cuộc xung đột." Theo ông, NATO là một liên minh phòng thủ và "không tìm kiếm chiến tranh hoặc xung đột với Nga."

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã tham dự trực tiếp hội nghị thượng đỉnh NATO, nêu rõ: "NATO không can thiệp vào Ukraine vì có nguy cơ nổ ra xung đột hạt nhân với Nga và đường lối này nên được duy trì."

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định không ủng hộ việc NATO can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng cứu trợ và vũ khí, song sẽ không góp phần làm leo thang quân sự ở Ukraine.

Những diễn biến này cho thấy NATO có vẻ vẫn tìm cách tránh leo thang căng thẳng, hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong quan hệ với Nga. Chính thái độ này của NATO khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố "đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của NATO bởi "NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine." Đây được coi là diễn biến tích cực đối với vòng đàm phán Nga-Ukraine bởi vấn đề quy chế trung lập và việc Kiev không gia nhập NATO là một trong những yêu cầu chủ chốt của Moskva trên bàn đàm phán.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 24-3. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 24-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nội bộ NATO, bên cạnh một số quốc gia tỏ thái độ cứng rắn, chọn cách tài trợ vũ khí cho Ukraine, thì cũng có nhiều nước vẫn tìm cách thúc đẩy đối thoại với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước thành viên NATO tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Kiev và Moskva. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ đối tác với cả Nga và Ukraine.

Phát biểu ngày 25/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhiều lần nhấn mạnh đến nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Đức Scholz kêu gọi chấm dứt chiến tranh bằng con đường ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ không bao giờ là một bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine và hy vọng tiếp tục đàm phán với Nga để đạt được các giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine.

Ngoại trưởng Italy Di Maio nói: "Với tư cách NATO, chúng tôi nhất trí rằng phải đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại bàn đàm phán để đạt được một giải pháp ngoại giao."

Qua 4 vòng đàm phán, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được đột phá cụ thể. Khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine cũng không rõ ràng bởi Moskva cho rằng chỉ có thể thảo luận về cuộc gặp giữa hai tổng thống khi hai bên đã nhất trí với các kết quả đàm phán. Mặc dù vậy, việc Nga và Ukraine tiếp tục duy trì đàm phán vẫn là tín hiệu khả quan.

Không ít ý kiến cho rằng Mỹ và NATO có vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Kết quả của hội nghị bất thường NATO vừa kết thúc dường như cũng thể hiện rằng NATO không mong muốn cuộc xung đột hiện nay kéo dài thêm nữa. Có lẽ các bước đi thực tế của NATO thời gian tới đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ xác định được vị trí của liên minh quân sự này trong một môi trường an ninh đang thay đổi.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nato-tai-khang-dinh-se-khong-dieu-may-bay-hay-quan-doi-den-ukraine/780221.vnp)

.
.
.