Nga rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ sau khi bị đình chỉ tư cách thành viên
Nghị quyết kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Nga bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền tại phiên bỏ phiếu ngày 7/3. Ảnh: Getty Images |
Đại hội đồng LHQ ngày 7/3 đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền do tình hình chiến sự ở Ukraine, sau khi 93 nước tham gia phiên bỏ phiếu ủng hộ hành động này, 24 nước bỏ phiếu phản đối và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsy, người đầu tiên phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, gọi việc đình chỉ Nga "không phải là một lựa chọn, mà là một nghĩa vụ". Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã "cảm ơn" tất cả những nước bỏ phiếu ủng hộ.
Trong khi đó, đại diện Nga cho rằng phiên bỏ phiếu tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Phía Nga cũng lấy làm tiếc khi Đại hội đồng LHQ đưa ra quyết định trên, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ bằng mọi cách.
Theo giới truyền thông, kết quả của cuộc bỏ phiếu không loại trừ lập tức Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên, mà chỉ khiến Nga không còn được đề xuất các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nga.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời phó đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin tuyên bố Moscow đã quyết định rút hoàn toàn khỏi Hội đồng Nhân quyền vì cuộc bỏ phiếu là "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị".
Phiên bỏ phiếu được tiến hành sau khi Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga chịu trách nhiệm cho hàng trăm dân thường thiệt mạng ở thị trấn Bucha, gần Kiev; còn Moscow khẳng định tình huống ở Bucha chỉ là một màn kịch do Kiev tạo ra.
Hiện chưa có bất cứ cuộc điều tra độc lập nào được tiến hành để xác minh sự cố ở Bucha. Nguyên nhân, thời điểm và vị trí tử vong của các thi thể chưa được làm rõ.
Trước phiên bỏ phiếu, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ủng hộ việc đình chỉ Nga vì cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến và cần phải điều tra thêm về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Brazil, Ai Cập, Mexico, Iran và Nam Phi cũng ủng hộ quan điểm trên.
Đây được cho là lần đầu tiên một quốc gia thuộc nhóm Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền.
Theo Báo Công an nhân dân