Chủ Nhật, 15/05/2022, 20:41 (GMT+7)
.

Lãnh đạo NATO tin tưởng sẽ nhanh chóng kết nạp Phần Lan, Thụy Điển

Phó Tổng Thư ký NATO cho biết nếu Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO thì khối cũng có thể hoan nghênh và tìm mọi cách để tạo sự đồng thuận chung trong khối về việc kết nạp thành viên mới.

 Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana phát biểu tại cuộc họp không chính thức Ngoại trưởng các nước thuộc NATO ở Berlin, Đức, ngày 15-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana phát biểu tại cuộc họp không chính thức Ngoại trưởng các nước thuộc NATO ở Berlin, Đức, ngày 15-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15-5, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoan tin tưởng khối này sẽ giải quyết được những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ để nhanh chóng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng 30 nước thành viên NATO tiến hành các cuộc họp trong ngày hai ngày tại Berlin (Đức) với trọng tâm là vấn đề kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này.

Nhiều khả năng, Phần Lan và Thụy Điển sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, ngày 14-5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bất ngờ nêu một số quan ngại, khẳng định sẽ không chấp nhận những thành viên mới của NATO là những nước ủng hộ lực lượng người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cho rằng các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt Thụy Điển nơi có cộng đồng người nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ đông đảo, là nơi trú ngụ của nhiều phần tử cực đoan người Kurd.

Dù vậy, Ankara vẫn đánh tín hiệu sẵn sàng thảo luận với Thụy Điển và Phần Lan về các vấn đề này.

Khi các cuộc thảo luận được nối lại ngày 14-5, Phó Tổng Thư ký NATO Mircea Geoana bày tỏ tin tưởng rằng những quan ngại của nước này sẽ được tháo gỡ.

Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng và những quan ngại mà Ankara đưa ra cũng sẽ được giải quyết giữa các nước đồng minh và bạn bè.

Nếu Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO thì khối cũng có thể hoan nghênh và tìm mọi cách để tạo sự đồng thuận chung trong khối về việc kết nạp thành viên mới.

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn và Ngoại trưởng Slovakia Ivan Korcok cũng bày tỏ tin tưởng các vướng mắc từ phía Ankara sẽ được tháo gỡ để giúp Thụy Điển và Phần Lan nhanh chóng gia nhập NATO.

Nhiều ngoại trưởng các nước thành viên đã gặp những người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển tại Berlin và nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn tư cách thành viên cho hai nước này.

Thông thường, quy trình kết nạp thành viên mới của NATO kéo dài khoảng một năm. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định nước này đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tiến trình kết nạp mới được thực hiện nhanh gọn.

Bà cho biết các ngoại trưởng NATO đã nhất trí rằng nên tiếp tục thúc đẩy tinh thần khẩn trương để kết nạp các thành viên mới.

Theo bà, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan có thể bỏ qua một số khâu chuyển tiếp để nhanh chóng cung cấp những đảm bảo an ninh cho hai nước này.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cũng đồng tình với những bình luận của bà Baerbock, bày tỏ hy vọng tiến trình kết nạp hai nước Tây Bắc Âu sẽ được thực hiện trong vòng vài tuần.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Thụy Điển xác nhận đã tiến hành các cuộc thảo luận với người đồng cấp Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này với hy vọng có thể thuyết phục được Ankara về vấn đề gia nhập NATO.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Croatia Gordan Grlic Radman đánh giá các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển về quan ngại của Ankara đang đi đúng lộ trình và tin tưởng sẽ cho kết quả tốt trong ngày 15-5 để thể hiện tinh thần đoàn kết và tiếng nói chung.

Dự kiến, tại Berlin, các ngoại trưởng NATO cũng sẽ nghe Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba báo cáo về tình hình xung đột tại nước này và về hoạt động hỗ trợ của NATO dành cho Kiev.

Các ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận về "Khái niệm chiến lược" mới của khối quân sự này. Văn kiện được coi là học thuyết quân sự của khối, dự kiến được đưa ra thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6.

Ngoại trưởng các nước thuộc NATO tại cuộc họp không chính thức ở Berlin, Đức, ngày 15-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng các nước thuộc NATO tại cuộc họp không chính thức ở Berlin, Đức, ngày 15-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong diễn biến liên quan, ngày 15-5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.

Phát biểu với báo giới tại dinh Tổng thống ở Helsinki, ông Niinisto nêu rõ đã cùng với Ủy ban Chính sách đối ngoại Chính phủ Phần Lan quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi tham vấn quốc hội.

Tổng thống Niinisto cũng cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thông báo về các kế hoạch gia nhập NATO và nhận được câu trả lời rằng quyết định này sẽ làm tổn hại quan hệ song phương.

Tuy nhiên, ông tin tưởng việc nói thẳng các ý định tới những bên quan tâm là lựa chọn đúng đắn.

Tiếp theo, Quốc hội Phần Lan sẽ triệu tập họp trong ngày 16-5 để thảo luận về quyết định này. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng xác nhận thông tin trên và hy vọng quốc hội sẽ phê chuẩn kế hoạch.

Động thái mới đánh dấu bước chuyển quan trọng về chính sách của Phần Lan, một quốc gia luôn duy trì quan điểm trung lập, tránh tham gia các liên minh quân sự. Nước này có chung đường biên giới dài 1.300km với Nga.

Nhiều khả năng Thụy Điển cũng sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO trong những ngày tới trong bối cảnh dư luận nước này ngày càng ủng hộ quyết định trên.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/lanh-dao-nato-tin-tuong-se-nhanh-chong-ket-nap-phan-lan-thuy-dien/790427.vnp)

.
.
.