Thứ Sáu, 20/05/2022, 11:20 (GMT+7)
.

Liên minh Mỹ-Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác sau hội nghị thượng đỉnh

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 21-5 với 2 phiên hẹp và rộng; trong đó tập trung chủ yếu vào mối đe dọa ngày càng lớn từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên...

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hàn Quốc vào tối 20/5 để tiến hành Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk-yeol; trong đó tập trung vào một loạt vấn đề, bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên và rủi ro chuỗi cung ứng.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức và diễn ra trong bối cảnh cả Seoul và Washington đều tin rằng Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc vũ khí hạt nhân ngay trong khoảng thời gian Tổng thống Mỹ ở thăm Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ 10 ngày sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ngay sau khi chiếc Không lực 1 của Mỹ hạ cánh và thực hiện chuyến thăm chung tới nhà máy sản xuất vi mạch của Samsung ở thành phố Pyeongtaek, cách Seoul 70km về phía Nam, một động thái nhằm nhấn mạnh cam kết hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng của hai nước.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 21/5 với 2 phiên hẹp và rộng; trong đó tập trung chủ yếu vào mối đe dọa ngày càng lớn từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thảo luận về biện pháp tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe tổng hợp, cũng như toàn bộ những thách thức an ninh và kinh tế mà các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phải đối mặt.

Ông Kim Tae-hyo, Phó Giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc hồi đầu tuần đã nói với phóng viên rằng: “Nội dung đầu tiên sẽ được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ lần này là triển khai kế hoạch hành động song phương nhằm tăng cường năng lực răn đe mở rộng đáng tin cậy và hiệu quả.”

Khái niệm “răn đe mở rộng” ở đây đề cập đến việc Mỹ có thể triển khai cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường để bảo vệ đồng minh. Bên cạnh đó, những hành động cụ thể mà hai nhà lãnh đạo có thể thực hiện bao gồm khả năng kích hoạt lại “Nhóm Tham vấn và Chiến lược răn đe mở rộng” (EDSCG) - một nền tảng song phương quan trọng đã bị đình chỉ từ năm 2018.

Ông Kim Tae-hyo chia sẻ: “EDSCG có thể được coi là cuộc tập trận quan trọng nhất nhằm mục đích ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng có thể có những cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh này về việc chính thức hóa cơ quan tham vấn, mở rộng chương trình nghị sự và tăng cường khả năng phản ứng thực tế của hoạt động răn đe mở rộng.”

Ngoài ra, chuyến công du đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ tới khu vực cũng nhằm thể hiện cam kết tăng cường hợp tác của Washington với các đồng minh trên cả lĩnh vực kinh tế và thương mại. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ, Tổng thống Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ thông báo về sự tham gia của Seoul vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) - một sáng kiến do Tổng thống Biden đề xuất.

Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ chứng kiến hai nước mở rộng liên minh quân sự và kinh tế (thông qua hiệp định thương mại tự do song phương) sang cả lĩnh vực “công nghệ.”

Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, mục tiêu của hội nghị lần này là xác lập quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện Hàn Quốc-Mỹ trong vai trò là một trục trọng tâm trong nền hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-myhan-quoc-se-mo-rong-hop-tac-sau-hoi-nghi-thuong-dinh/791468.vnp)

.
.
.