.

NATO nói Ukraine phải tự định đoạt về nhượng bộ lãnh thổ

Cập nhật: 14:10, 13/06/2022 (GMT+7)

Tổng thư ký NATO cho rằng Ukraine phải tự quyết định chấp nhận cái giá nào cho hòa bình với Nga, kể cả vấn đề nhượng bộ lãnh thổ.

"Hòa bình là khả thi, nhưng câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, chủ quyền vì hòa bình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Đối thoại Kultaranta ở Phần Lan hôm 12/6, đề cập đến vấn đề Ukraine.

Ông Stoltenberg không đề xuất Ukraine nên chấp nhận những điều khoản nào, nói rằng "những bên phải trả giá cao nhất mới đưa ra quyết định đó", trong khi NATO và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để "củng cố vị thế" trong đàm phán để đạt được thỏa thuận.

Tổng thư ký NATO nêu ra ví dụ của Phần Lan, quốc gia đã nhượng vùng Karelia cho Liên Xô như một phần thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến II, cho rằng đây là "một trong những lý do giúp Phần Lan bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách quốc gia độc lập có chủ quyền".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Đối thoại Kultaranta ở Naantali, Phần Lan ngày 12/6. Ảnh: AFP.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Đối thoại Kultaranta ở Naantali, Phần Lan ngày 12/6. Ảnh: AFP.

Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng phương Tây sẽ gây áp lực để Ukraine chấp nhận đàm phán thỏa thuận hòa bình với Nga. Trong khi giới chức Mỹ và Anh công khai nhấn mạnh Ukraine "có thể thắng" trong xung đột với Nga, CNN dẫn các nguồn tin cho biết các quan chức ở Washington, London và Brussels đang họp để thảo luận về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình mà không có đại diện của Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói rằng một số bên đang cố gắng "thúc đẩy chúng tôi" để đạt một thỏa thuận, khi công chúng ở các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine ngày càng "mệt mỏi vì chiến tranh".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai phủ nhận việc thúc giục ông Zelensky từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, ý tưởng được cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đưa ra tháng trước. Theo ông Kissinger, Ukraine nên chấp nhận quay trở lại "tình trạng trước chiến sự", có nghĩa từ bỏ tuyên bố chủ quyền với bán đảo Crimea và công nhận độc lập cho các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.

Nga sáp nhập Crimea thông qua trưng cầu dân ý hồi năm 2014, trong khi Moskva cũng công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine trước khi mở chiến dịch quân sự.

Zelensky nhiều lần thay đổi quan điểm về thỏa thuận hòa bình với Nga. Sau tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán vào cuối tháng trước, ông Zelensky nói rằng "sẽ không có sự thay thế nào cho lá cờ Ukraine" bay trên các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.

"Chúng tôi hiểu rằng với cuộc chiến đang diễn ra, Ukraine rất khó nhượng bộ lãnh thổ của họ. Nhưng đẩy lùi Nga khỏi tất cả những vùng họ đang kiểm soát không phải là điều khả thi vào thời điểm này. Đạt được hòa bình thực sự khó khăn", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói trong cuộc thảo luận với ông Stoltenberg hôm qua.

Những bình luận trên được đưa ra khi chiến sự tiếp tục diễn biến khốc liệt ở miền đông Ukraine. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau sau khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ từ cuối tháng 3. Nga hồi đầu tháng trước nói rằng Ukraine không sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi các quan chức ở Kiev cáo buộc Moskva mới là bên khiến đàm phán không đạt được tiến bộ.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.