COVID-19 trên thế giới lại lây lan mạnh ở nhiều nơi; các nước siết chặt phòng dịch
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 4 đến ngày 10/7, thế giới ghi nhận 5,6 triệu ca mắc và 10.051 ca tử vong vì COVID-19. Nhìn chung, dịch COVID-19 đang có xu hướng bùng lại ở nhiều quốc gia.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại quận Hải Điến, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ sáng 10/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu từ đầu đại dịch là trên 560 triệu ca, trong đó có 6,37 triệu người tử vong.
Trong tuần qua, trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 tăng 3%, số ca tử vong giảm 3% so với tuần trước đó.
Pháp là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (784.000 ca mắc). Tiếp đó là Italy với trên 661.000 ca mắc. Đứng thứ ba là Mỹ với trên 635.000 ca mắc trong tuần qua.
Trong khi đó, Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (1.630 ca). Tiếp đó là Brazil với 1.616 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với 90 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,04 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43,6 triệu ca mắc và trên 525.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 32,8 triệu ca mắc và trên 673.000 ca tử vong.
Nhìn chung, xu hướng dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia do biến thể phụ của Omicron lây lan nhanh.
Trong bối cảnh đó, trong cuộc họp hằng tuần về COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Thống kê của WHO cho thấy số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã tăng gần 30% trong 2 tuần qua. Tại nhiều nước, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang chiếm ưu thế.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh. Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp.
Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vaccine, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất.
Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.
Người đứng đầu WHO khẳng định những thách thức này đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và địa phương. Theo đó, các nước cần tập trung tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao, trong đó có người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, các nước cần cung cấp đủ thuốc viên kháng virus và các phương pháp điều trị khác cho người dân. Tổng Giám đốc Tedros hối thúc các nhà sản xuất, trong đó có hãng dược Pfizer, hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế và giới chức các nước để đảm bảo cung cấp thuốc nhanh chóng và hiệu quả.
WHO cũng kêu gọi người dân tại các vùng dịch bệnh gia tăng thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng, trong đó có đeo khẩu trang, tự cách ly khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà và tiêm chủng đầy đủ.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 8/7 thông báo quốc gia Đông Nam Á sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng. Quy định này được áp dụng từ năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Báo điện tử Krungthep Turakij dẫn lời người đứng đầu CCSA Taweesin Visanuyothin thông báo: “Tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19 được kéo dài từ ngày 1/8 đến 30/9/2022. Quyết định gia hạn xuất phát từ sự cần thiết phải tiếp tục kiểm soát tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 và mối quan tâm đối với sức khỏe của nhân dân”. Theo ông Taweesin, Thái Lan nên sẵn sàng công nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Số liệu của CCSA cho thấy hiện có 25.082 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở Thái Lan. Thống kê hàng ngày của CCSA ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh mới và khoảng 20 người tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân đề phòng nguy cơ COVID-19 lây lan
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 7/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin khuyến cáo người dân tiếp tục thận trọng nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong dịp nghỉ lễ Hari Raya Aidiladha vào cuối tuần này.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Bộ trưởng Khairy khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ở các khu vực kín hoặc đông người; luôn ghi nhớ và thực hiện các biện pháp xét nghiệm, thông báo, cách ly, báo cáo và truy vết. Bộ trưởng Khairy cũng nhấn mạnh người dân cần tự xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi trở về quê hương gặp gỡ người thân và bạn bè trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
Theo ông Khairy, lễ Hari Raya Aidilfitri vừa qua - dịp lễ lớn nhất của người Hồi giáo - đã chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh từ mốc 1.000 ca lên 3.410 ca vào ngày 12/5 do các hoạt động cộng đồng.
Sau 2 tháng giảm xuống quanh mốc 1.000 ca/ngày, từ đầu tháng 7 này, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại, dao động từ 2.500-2.900 ca/ngày.
Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) siết chặt quy định phòng COVID-19
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ban hành quy định bắt buộc những người muốn vào một số địa điểm công cộng phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/7 tới.
Trong một thông báo ra ngày 6/7, một người phát ngôn Ủy ban y tế thành phố Bắc Kinh, ông Lý Ngang cho biết ứng dụng y tế hiển thị kết quả xét nghiệm PCR mới nhất của người dùng vừa được cập nhật thêm tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine trước khi vào các không gian công cộng như phòng tập thể thao, bảo tàng, thư viện. Danh sách các địa điểm áp dụng không bao gồm nhà hàng, văn phòng. Quy định mới không áp dụng đối với những người không tiêm được vaccine vì lý do sức khỏe. Ông Lý Ngang nhấn mạnh: “Trong quá trình bình thường hóa việc kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh”.
Theo ông Lý Ngang, đến nay, đã có trên 23 triệu người tại Bắc Kinh được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thống kê dân số năm 2020 cho thấy có khoảng 22 triệu người thường trú tại Bắc Kinh. Trong số những người đã được tiêm phòng có trên 3,6 triệu người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, quan chức này không nêu rõ họ đã được tiêm 2 hay 3 mũi vaccine.
Hàn Quốc xác nhận đợt lây nhiễm mới COVID-19
Ngày 8/7, Chính phủ Hàn Quốc xác nhận quốc gia Đông Bắc Á đang trải qua một đợt tái phát dịch COVID-19 mới.
Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Lee Ki-il thông báo từ tuần tới, nước này sẽ áp dụng các biện pháp chống dịch để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19. Ông cho biết hiện chính phủ cũng đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để có các biện pháp chống dịch phù hợp.
Thứ trưởng Lee Ki-il dẫn lời các chuyên gia cho biết làn sóng COVID-19 mới xuất hiện ở Hàn Quốc phần lớn là do biến thể phụ BA.5 của Omicron. Nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm những ngày gần đây là do gia tăng di chuyển của người dân trong mùa hè và khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm.
Biến thể BA.5 của Omicron đang lan truyền nhanh chóng tại Hàn Quốc cũng như một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh. Số ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể BA.5 ban đầu vẫn ở mức thấp 1,4% trong tuần thứ hai của tháng 6 song đã tăng mạnh lên 28,2% trong tuần cuối của tháng.
Số liệu thống kê ngày 8/7 của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ghi nhận thêm 20.000 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 18,5 triệu ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng cao và chạm ngưỡng 20.000 ca, đồng thời cao gấp hai lần so với số liệu một tuần trước đó.
Iran siết chặt quy định nhập cảnh nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 9/7 cho biết hành khách chỉ được nhập cảnh Iran nếu trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tuân thủ đầy đủ các quy định y tế của nước sở tại.
Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gần đây gia tăng tại Iran. Phát biểu tại cuộc họp của lực lượng chống dịch quốc gia, Tổng thống Raisi kêu gọi tuân thủ nghiêm các quy định và chỉ dẫn y tế tại tất cả các cửa khẩu hàng không, trên biển, trên bộ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời nhắc nhở người đang có bệnh nền cần đặc biệt cẩn trọng.
Chuyên gia Iran cảnh báo hai biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh của Omicron sẽ chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới tại nước này trong những tuần tới.
EMA cảnh báo làn sóng COVID-19 mới ở nhiều nước châu Âu
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 7/7 cảnh báo châu lục này đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 mới do các biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền cao là BA.4 và BA.5.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Amsterdam (Hà Lan), ông Marco Cavaleri, người phụ trách Các mối đe dọa sức khỏe sinh học và chiến lược vaccine của EMA, nói: "Chúng tôi thấy một làn sóng COVID-19 mới ở nhiều thành viên của Liên minh châu Âu (EU)". Theo ông Cavaleri, "các biến thể BA.4 và BA.5 dự kiến sẽ lan tràn khắp các quốc gia châu Âu, có khả năng thay thế tất cả các biến thể khác vào cuối tháng 7 này".
Vào tháng 4, EMA đã khuyến cáo những người từ 80 tuổi trở lên nên tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai. Giờ đây, ông Cavaleri nhắc lại thông điệp đó và cũng đề xuất mũi tăng cường thứ hai cho những người từ 60 -79 tuổi, cũng như những người dễ bị tổn thương ở mọi lứa tuổi.
Ông Cavaleri cho biết: “Mặc dù không có bằng chứng cho thấy các biến thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn các biến thể trước đó, nhưng sự gia tăng lây truyền giữa các nhóm tuổi lớn hơn đã bắt đầu gây ra các ca bệnh nặng. Khi đợt lây nhiễm này lan tràn khắp châu Âu, cần duy trì việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và tránh trì hoãn tiêm chủng”.
Trước đó, EMA cho biết sẵn sàng tiếp nhận các loại vaccine thế hệ tiếp theo và sẵn sàng xem xét những loại vaccine công hiệu với các biến thể phụ Omicron hiện đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo ông Cavaleri, những loại vaccine này có thể không kịp cung cấp cho các chiến dịch tiêm chủng mùa Thu theo kế hoạch của các nước thành viên EU. Do đó, hiện nay EMA xác định ưu tiên đối với các loại vaccine đã được cấp phép. Ông Cavaleri đánh giá: “Các loại vaccine đã được cấp phép vẫn giúp giảm tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng và tử vong".
Italy liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 100.000 ca
Bộ Y tế Italy cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong ngày 8/7 tiếp tục ở mức trên 100.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh biến thể phụ Omicron BA.5 tiếp tục lây lan rộng.
Cụ thể, theo bộ trên, Italy ghi nhận thêm 101.000 ca mắc mới COVID-19.
Số liệu cùng ngày của Liên đoàn Các cơ quan y tế và bệnh viện Italy (FIASO) cho thấy số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 trong 1 tuần đã tăng 84%, từ 51 trẻ trong ngày 28/6 lên 94 trẻ vào ngày 5/7. Theo FIASO, 78% số ca phải nằm viện là trẻ em dưới 5 tuổi do tại Italy chưa có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ
em trong độ tuổi này. Cùng thời gian trên, tỷ lệ nhập viện chung do COVID-19 đã tăng 19%, với số ca nhập viện với các triệu chứng hô hấp điển hình tăng 24,5%.
Colombia đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 5
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Cucuta, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bộ Y tế Colombia ngày 8/7 xác nhận quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 5 trong bối cảnh số ca bệnh mới tăng mạnh suốt những tuần vừa qua.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Fernando Ruiz cho biết làn sóng dịch bệnh mới đang có dấu hiệu lây lan mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Tình hình dịch bệnh đáng lo ngại nhất đang diễn ra tại các tỉnh thành như Bogotá, Valle del Cauca, Cundinamarca, Antioquia và Barranquilla.
Trong bối cảnh đó, giới chức y tế Colombia kêu gọi người dân nhanh chóng hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cơ bản, cũng như tiếp tục tiêm các mũi tăng cường. Cùng với đó, Bộ Y tế Colombia cũng khuyến nghị người dân tiếp tục sử dụng khẩu trang tại các không gian kín và địa điểm công cộng đông người, mặc dù yêu cầu này không còn là một biện pháp bắt buộc.
Theo số liệu thống kê chính thức, Colombia trong một tuần qua đã ghi nhận tổng cộng 23.667 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 132 người tử vong. Một tuần trước đó, quốc gia Nam Mỹ cũng ghi nhận thêm tổng cộng 23.000 ca bệnh mới và 100 người tử vong.
Đến nay, đã có khoảng 36 triệu người dân Colombia hoàn tất phác đồ tiêm vaccine, song mới chỉ có 13 triệu người tiêm mũi tăng cường thứ nhất và 939.000 người tiêm mũi tăng cường thứ hai.
Theo Báo Tin tức (TTXVN)