Thứ Ba, 27/09/2022, 15:31 (GMT+7)
.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi mọi nỗ lực để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/9 đã kêu gọi sử dụng tất cả các phương tiện hiện có để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân.

b

Cần loại bỏ mối đe dọa hạt nhân. (Ảnh minh họa: UN)

Ông António Guterres đưa ra lời kêu gọi nhân dịp kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm và thúc đẩy Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9).

Khi các mối đe dọa sử dụng “sức mạnh hủy diệt nhất từng được tạo ra” xuất hiện trở lại, ông António Guterres kêu gọi một tầm nhìn mới về giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Kỷ nguyên đe dọa hạt nhân phải kết thúc”. Nhắc lại chuyến thăm Hiroshima (Nhật Bản) hồi tháng trước, ông Guterres lưu ý "những người dũng cảm sống sót" sau cuộc tấn công năm 1945 ngày càng ít hơn, nhưng "mang một thông điệp ngày càng mạnh mẽ", vũ khí "không an toàn, chỉ có sự tàn sát và hỗn loạn". Hồi tưởng lại ký ức về một cuộc Chiến tranh Lạnh đã đưa "nhân loại đến bờ vực diệt vong", ông Guterres lấy làm tiếc rằng nhiều thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, "các thanh kiếm hạt nhân lại một lần nữa được vung lên".

Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: “Ý tưởng về việc bất kỳ quốc gia nào giả vờ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân đều là điên rồ”.

Ông Guterres thừa nhận rằng mặc dù các bên tham gia Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hồi tháng trước đã không thể thông qua báo cáo do những bất đồng không thể hòa giải trong các vấn đề gây tranh cãi song Liên hợp quốc "sẽ không bỏ cuộc". Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia sử dụng mọi con đường đối thoại, ngoại giao và đàm phán để xoa dịu căng thẳng, giảm thiểu rủi ro và loại bỏ mối đe dọa hạt nhân.

Theo quan điểm của ông Guterres, mục tiêu này đòi hỏi một tầm nhìn mới về giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân phù hợp với Chương trình nghị sự vì hòa bình, chủ trương giải trừ vũ khí có ý nghĩa và hiểu biết chung tốt hơn về nhiều mối đe dọa. Nó liên quan đến việc tính đến sự phát triển của trật tự hạt nhân, bao gồm tất cả các loại vũ khí hạt nhân và phương tiện vận chuyển chúng. Tầm nhìn này phải hiểu được ranh giới mờ nhạt giữa vũ khí chiến lược và vũ khí thông thường, và mối liên hệ giữa các loại vũ khí này với các lĩnh vực an ninh mạng và không gian mới.

Tổng thư ký António Guterres cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên để tạo ra sự đồng thuận mới về cách tốt nhất để cùng nhau xoa dịu những mối đe dọa này. Ông nói: “Không loại bỏ vũ khí hạt nhân thì không thể có hòa bình, không thể có lòng tin hoặc tương lai bền vững”; đồng thời kêu gọi các quốc gia kết thúc cuộc thảo luận chung thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc với một cam kết mới về tương lai hòa bình.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Kőrösi bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine làm tăng nguy cơ về một thảm họa hạt nhân toàn cầu. Nhắc lại lời của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá rằng “trong một số vòng tròn nhất định, chúng ta đang đùa với lửa”, ông lên án các mối đe dọa lặp lại và hầu như không được che đậy của các cuộc tấn công hạt nhân.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc lưu ý tình trạng gia tăng đầu tư vào vũ khí hạt nhân, một kho vũ khí toàn cầu gồm 13.000 đầu đạn, trong khi "rất nhiều người phải vật lộn để tìm kiếm thức ăn, giáo dục con cái và giữ ấm cho bản thân".

Theo ông Csaba Kőrösi, ưu tiên và nguyên tắc vững chắc hiện nay là việc duy trì Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân như cơ sở của mọi cuộc đàm phán trong tương lai và khuyến khích các quốc gia chưa thực hiện việc này phê chuẩn hiệp ước ngừng các vụ thử hạt nhân./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.
.
.