Thứ Ba, 25/10/2022, 08:44 (GMT+7)
.

Nhìn lại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX đã khép lại với nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để Trung Quốc tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

b

Các đại biểu tham dự lễ bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 22/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ ngày 16-22/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Trung Quốc: Đại hội tổng kết các chủ trương, giải pháp do Đại hội XIX đề ra; tổng kết 10 năm các chủ trương, chính sách từ Đại hội XVIII (thời đại Tập Cận Bình), tổng kết quá trình thực hiện mục tiêu 100 năm thứ nhất; hoạch định chủ trương, đường lối, giải pháp thực hiện mục tiêu 100 năm thứ 2; bầu Ban chấp hành trung ương khóa mới; chuẩn bị nhân sự cho Nhà nước khóa mới.

Bối cảnh “chưa từng có”

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi chưa từng có, chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn và không xác định. Bối cảnh của Đại hội XX khó khăn hơn nhiều so với Đại hội XIX. Chính nước này đánh giá “Trung Quốc và thế giới đang trải qua sự biến đổi 100 năm chưa từng có”.

Về môi trường bên ngoài, cạnh tranh Mỹ - Trung đã đi vào tầng sâu, toàn diện và mang tính chiến lược rõ nét. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện nay không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, chiến tranh thương mại, mà đã sang các lĩnh vực khác như cạnh tranh về công nghệ, quân sự, an ninh, về mô hình quản trị, mô hình phát triển, về giá trị cốt lõi... Hiện Mỹ đang triển khai cạnh tranh bài bản, chiến lược vào lĩnh vực công nghệ lõi và công nghệ cao của Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc gặp khó khăn lớn hơn.

Cạnh tranh Mỹ - Trung cũng khiến thế giới phân tuyến rõ ràng hơn, trong đó các nước đồng minh của Mỹ thể hiện thái độ trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc rõ ràng hơn (như vấn đề Hong Kong, Biển Đông, công nghệ…). Dù Trung Quốc đang có lợi thế nhất định khi là quốc gia thương mại, đầu tư hàng đầu thế giới, cũng như đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, nhưng sự phân tách này cùng việc Mỹ đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc khiến môi trường bên ngoài của Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine tạo cơ hội để Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường liên kết, đồng thời cũng thúc đẩy Nga liên kết với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Trung Quốc. Thế giới phải đối mặt với trật tự “lưỡng siêu, đa cường” đang hình thành với một bên là Mỹ và các đồng minh, một bên là Trung Quốc với Nga.

Dù Trung Quốc đang có lợi thế nhất định khi là quốc gia thương mại, đầu tư hàng đầu thế giới, cũng như đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, nhưng sự phân tách này cùng việc Mỹ đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc khiến môi trường bên ngoài của Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn.

Từ cải cách mở cửa, đặc biệt sau khi hội nhập sâu rộng quốc tế, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu, năm 2010 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Từ năm 2013-2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trung bình tăng 6,6%/năm, cao hơn mức tăng trung bình 2,6% của thế giới và 3,7% của các nền kinh tế đang phát triển trong cùng kỳ; tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình vượt quá 30%, đứng đầu thế giới. Năm 2021, GDP của Trung Quốc đạt hơn 114 nghìn tỷ NDT (15.700 tỷ USD). Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất, giành thắng lợi trong cuộc chiến xóa nghèo, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Tuy nhiên, chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc chuyển biến chậm, công nghệ nguồn còn thiếu vắng trong bối cảnh thách thức bên ngoài gia tăng.

Đài Loan cũng là “vấn đề gai góc” trong quan hệ Mỹ-Trung. Việc bà Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc) đã thể hiện điều đó. Mỹ đang sử dụng vấn đề Đài Loan để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, tác động sâu sắc tới thế giới. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách “zero covid”. Hậu quả của đại dịch là các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bị đình trệ, đứt quãng... tác động sâu rộng tới kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu.

Hướng về tương lai

Trong bối cảnh đó, Đại hội XX đã đưa ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp cho mục tiêu 100 năm thứ hai, cụ thể hóa lộ trình mang tính giai đoạn đến giữa thế kỷ XXI, nhấn mạnh đến hiện đại hóa đặc sắc Trung Quốc.

Chuyển đổi phương thức phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế tiếp tục là tuyến chính trong các giải pháp kinh tế, tiếp tục thúc đẩy chiến lược “tuần hoàn kép”, “vành đai, con đường”... Song, tự chủ, tự cường được đề cao, đặc biệt tự chủ về khoa học công nghệ, vẫn coi “sáng tạo” là động lực phát triển. Báo cáo chính trị Đại hội XX cũng nhấn mạnh thách thức an ninh mà Trung Quốc đang phải đối mặt, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh, kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

Đại hội XX tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Thừa nhận tình hình thế giới đang trong cục diện trăm năm chưa từng có… thách thức từ bên ngoài tăng lên, song Trung Quốc cho rằng có thể tiếp tục lợi dụng “thời kỳ cơ hội chiến lược”, “Trung Quốc đang có sức mạnh tăng lên”. “Thời và thế” đang có lợi cho Trung Quốc. Do đó, chính sách đối ngoại Trung Quốc sau Đại hội XX có thể tiếp tục tuân theo phương hướng ngoại giao nước lớn nước này đã áp dụng những năm gần đây.

Đặc biệt, Trung Quốc coi xử lý quan hệ với Mỹ là then chốt trong chính sách đối ngoại. Một mặt, nước này triển khaicạnh tranh toàn diện với Mỹ và tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho kịch bản phân tách, ít nhất là trên lĩnh vực công nghệ và kinh tế. Bắc Kinh cũng sẽ quyết liệt bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi, vạch ra những giới hạn đỏ trên mặt trận ngoại giao. Mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực kiểm soát tốt mối quan hệ, tránh dẫn đến xung đột – đối đầu trên thực địa.

Cuối cùng, trên cơ sở chiến lược “Vành đai, con đường”, Trung Quốc tiếp tục quảng bá và thúc đẩy các sáng kiến như An ninh toàn cầu (GSI) và Phát triển toàn cầu (GDI) sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về đối ngoại, nhằm hiện thực hoá hệ thống lý luận về “trí tuệ Trung Quốc”, “phương án Trung Quốc”, thúc đẩy “toàn cầu hoá” mô hình và giá trị Trung Quốc.

Trong phiên bế mạc sáng ngày 22/10 do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các nghị quyết của Đại hội về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Khóa XIX và Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi).

Điều lệ Đảng được sửa đổi tại Đại hội lần này đã bổ sung nội dung “hai xác lập”, bao gồm: xác lập vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, đồng thời nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như là thành quả mới nhất của việc Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Marx.

Về công tác nhân sự, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XX, gồm 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XX gồm 133 ủy viên. Đáng chú ý, trưa ngày 23/10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Theo đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ gồm 24 người, trong đó có 7 người thuộc Thường vụ Bộ Chính trị, với ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

TS. NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Theo Baoquocte.vn

.
.
.