Phản ứng của thế giới sau khi các vùng lãnh thổ Ukraine ký thỏa thuận sáp nhập Liên bang Nga
Ngày 30/9, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người đứng đầu bốn vùng lãnh thổ tại Ukraine ký thỏa thuận sáp nhập những khu vực này vào Liên bang Nga, nhiều quốc gia đã có phản ứng về việc này.
Lực lượng thực thi pháp luật Nga đứng gác trong lúc người dân tiến về Quảng trường Đỏ để chứng kiến lễ ký thỏa thuận. (Ảnh: Reuters) |
Phản ứng trước động thái nêu trên của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đang đẩy nhanh tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, phát biểu ý kiến tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9, ông Zelensky tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu ý dân ở các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia và không đàm phán với Nga.
Tuyên bố của các thành viên Hội đồng Châu Âu cho biết: "Chúng tôi kiên quyết bác bỏ và cực lực lên án việc Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine".
Cũng theo tuyên bố này, Hội đồng Châu Âu khẳng định sẽ không bao giờ công nhận "cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp" tại 4 khu vực của Ukraine và “việc sáp nhập bất hợp pháp này”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng: "Việc sáp nhập bất hợp pháp của Nga sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ba Lan ra thông cáo cho biết Bộ này lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với các hành vi bất hợp pháp gồm “công nhận độc lập” và “sáp nhập” các vùng Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia của Ukraine vào Liên bang Nga.
Bộ này cũng kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev và bổ sung biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định trên báo The Hague: “Hà Lan sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập này như chúng tôi không công nhận việc sáp nhập Crimea (vào Liên bang Nga)".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho rằng, quyết định sáp nhập nêu trên là bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế, do đó nó không có giá trị.
Bộ Ngoại giao Anh thông báo, nước này đã triệu Đại sứ Nga tại London trong ngày 30/9 để phản đối việc Moskva sáp nhập hơn 15% lãnh thổ của Ukraine.
Mỹ cũng lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng trăm cá nhân và công ty Nga, trong đó có những cá nhân, công ty thuộc tổ hợp quân sự-công nghiệp và các thành viên của cơ quan lập pháp Nga.
Ngày 30/9, tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva của Nga, Tổng thống Nga Putin và những người đứng đầu các vùng lãnh thổ tại Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, đã ký thỏa thuận về việc các khu vực này sáp nhập Liên bang Nga.
Trước đó, từ ngày 23 đến 27/9 vừa qua, bốn khu vực tại Ukraine đã tiến hành trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Liên bang Nga. Theo kết quả được công bố, tỷ lệ cử tri ủng hộ các vùng lãnh thổ sáp nhập Liên bang Nga lần lượt là 93,11% ở Zaporizhzhia; 87,05% ở Kherson; 98,42% ở Lugansk và 99,23% ở Donetsk.
Theo Báo Nhân Dân điện tử