Thứ Hai, 21/11/2022, 10:06 (GMT+7)
.

COP27 nhất trí lập quỹ hỗ trợ thiệt hại do khí hậu cho các nước nghèo

Đại diện của gần 200 nước tại Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập đã nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu, tập trung vào các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (giữa), Chủ tịch COP27, nhận được sự hoan nghênh sau bài phát biểu trong phiên họp toàn thể bế mạc COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập hôm 20-11. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (giữa), Chủ tịch COP27, nhận được sự hoan nghênh sau bài phát biểu trong phiên họp toàn thể bế mạc COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập hôm 20-11. Ảnh: AP

Các nước đang phát triển giàu có như Trung Quốc không bị bắt buộc đóng góp vào quỹ này và cũng sẽ không được nhận sự hỗ trợ từ nó. Song các chi tiết về cơ chế hoạt động của quỹ này, bao gồm mức đóng góp từ các nước giàu, đã không được đề cập.

Dù vậy, đây được xem là thành công đột phá của COP27 sau khi những nỗ lực khác nhằm thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn nữa về hạn chế khí thải nhà kính đã không được tán thành.

Sau khi trải qua các cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài xuyên đêm, rạng sáng 20-11, COP27 đã nhất trí thông qua thỏa thuận cuối cùng có tên gọi Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh, bao gồm một điều khoản nhất trí thành lập quỹ mất mát và thiệt hại để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất ứng phó với các thảm họa khí hậu.

Thỏa thuận cũng tái khẳng định mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học trên toàn cầu đã cảnh báo nhiệt độ tăng thêm của Trái đất phải được giới hạn ở mức 1,5 độ, một ngưỡng đang đến rất nhanh khi nhiệt độ trung bình của hành tinh hiện nay đã tăng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nếu nhiệt độ tăng vượt 1,5 độ C, nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực sẽ tăng lên đáng kể, các nhà khoa học cho biết trong báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.

Ngay cả việc giữ lại mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ như đã nhất trí tại COP26 ở Glasgow, Anh hồi năm ngoái cũng gây ra căng thẳng. Hôm 19-11, các quan chức EU đe dọa rời hội nghị nếu không giữ lại mục tiêu này. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans nói: “Thà không có thỏa thuận nào còn hơn là có một thỏa thuận tồi”.

Tuy nhiên, thỏa thuận của COP27 đã không củng cố ngôn ngữ xung quanh việc cắt giảm khí thải nhà kính đang làm nóng hành tinh. Nó cũng không đề cập đến việc loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu, khí đốt và than. Cũng giống như hội nghị COP26, thỏa thuận của COP27 chỉ kêu gọi tăng tốc các nỗ lực loại bỏ dần nhiệt điện than và “loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”.

EU đã nỗ lực vận động các nước cam kết đạt đỉnh khí thải vào năm 2025 nhưng không thành công. Trung Quốc tự cam kết đạt đỉnh khí thải trước năm 2030 nhưng không đặt ra thời điểm cụ thể.

Thỏa thuận nói trên đánh dấu lần đầu tiên các nước giàu và tổ chức bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đồng ý hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương trước thảm họa khí hậu do lượng phát thải khổng lồ trong lịch sử do các nước công nghiệp giàu có gây ra.

Thỏa thuận nêu rõ quỹ khí hậu sẽ hướng tới các nước đang phát triển “đặc biệt dễ tổn thương trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu”. EU đã thúc đẩy cách diễn đạt này với mục đích đảm bảo rằng các nước đang phát triển giàu có hơn như Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, không phải là bên thụ hưởng của quỹ.

Trước đó, EU kêu gọi Trung Quốc và các các nước dầu mỏ giàu có khác như Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất phải chung tay đóng góp cho quỹ khí hậu, nhưng đã không nhận được sự đồng ý của họ. Trung Quốc chỉ nói rằng sẽ đóng góp trên cơ sở tự nguyện.

Sau khi trải qua cuộc đàm phán xuyên đêm, một số đại biểu tranh thủ chợp mắt tại phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập hôm 20-11. Ảnh: AP
Sau khi trải qua cuộc đàm phán xuyên đêm, một số đại biểu tranh thủ chợp mắt tại phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập hôm 20-11. Ảnh: AP

Các nhà đàm phán và các tổ chức phi chính phủ ca ngợi việc thành lập quỹ này là một thành công lớn, sau khi các nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ liên kết với nhau để gia tăng áp lực lên các nước giàu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói quỹ này là một bước quan trọng hướng tới công lý cho các nước nghèo đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu dù họ chịu rất ít trách nhiệm về lượng khí thải nhà kính trong lịch sử.

“Các thỏa thuận đạt được tại COP27 là một chiến thắng cho toàn thế giới của chúng ta. Chúng ta đã cho những người cảm thấy bị bỏ rơi thấy rằng chúng ta nghe thấy họ, nhìn thấy họ và chúng ta đang dành cho họ sự tôn trọng và quan tâm xứng đáng”,  Molwyn Joseph, Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ, cho biết trong một tuyên bố.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với CNN rằng quỹ khí hậu sẽ tập trung vào những gì có thể làm để hỗ trợ các nguồn tài nguyên bị mất mát và thiệt hại, nhưng không bao gồm các điều khoản về trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường.

Mỹ và nước phát triển khác từ lâu đã tìm cách tránh những điều khoản như vậy vì chúng có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm pháp lý và các vụ kiện từ các nước khác.

Các chi tiết về cách quỹ khí hậu hoạt động vẫn còn chưa rõ. Thỏa thuận của COP 27 không đề cập đến thời điểm quỹ sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động cũng như cách thức đóng góp cho quỹ này. Thỏa thuận chỉ lưu ý rằng một ủy ban chuyển tiếp sẽ giúp soạn thảo những chi tiết đó, nhưng không đặt ra thời hạn cụ thể trong tương lai.

Đối với nhiều nước đang phát triển, quỹ khí hậu đại diện cho một chiến thắng khó nhọc sau nhiều năm đấu tranh liên tục để gây sức ép lên các nước phát triển.

Vấn đề chi trả mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc trong năm nay sau khi các thảm họa khí hậu bao gồm trận lũ tàn khốc ở Pakistan vào mùa hè này thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Nó trở thành trọng tâm trong các cuộc đàm phán vào những ngày cuối của COP27 và là động lực để các đại biểu kéo dài thời gian thảo luận thêm 36 tiếng, thay vì kết thúc hội nghị vào hôm 18-11 như kế hoạch ban đầu.

Theo Bộ trưởng Khí hậu Pakistan Sherry Rehman, việc thành lập quỹ khí hậu là “một lời nhắc nhở lịch sử đối với những người dễ bị tổn thương trên toàn thế giới rằng họ có tiếng nói và nếu cùng đoàn kết, chúng ta thực sự có thể bắt đầu phá bỏ được những rào cản mà chúng ta từng nghĩ là không thể”.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.