Những thách thức và mục tiêu ở COP27
COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, tác động đáng kể tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị COP27 diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. (Nguồn: Dreamstime) |
Ngày 6-18/11, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP27) sẽ diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. COP27 diễn ra trong lúc thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, tác động tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bối cảnh mới
Xung đột Nga-Ukraine cùng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng đã khiến không ít quốc gia trên thế giới cân nhắc về chính sách chuyển đổi năng lượng tái tạo. Đồng thời, căng thẳng Mỹ - Trung và tình hình Eo biển Đài Loan mới đây đã khiến Trung Quốc đình chỉ đối thoại khí hậu với Mỹ.
Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia về chống biến đổi khí hậu đánh giá cao cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi thông qua đạo luật chống lạm phát và khí hậu trị giá 375 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa về phần chống lạm phát. Đồng thời, không ít người tỏ ra nghi ngờ về khả năng triển khai kế hoạch này nếu như đảng Cộng hòa chiến thắng và kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ ngày 8/11 tới.
Trong khi đó, phát biểu tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cần đẩy nhanh tăng trưởng xanh của Bắc Kinh. Kể từ khi được ông Tập Cận Bình công bố năm 2020, đây là lần đầu tiên “mục tiêu carbon kép” - đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2060 - được đề cập trong kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia thận trọng khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng nước này cần “thiết lập cái mới trước khi phá bỏ cái cũ”, bao gồm tiếp tục sử dụng than đá “hiệu quả” nhằm bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế duy trì ổn định.
Một điểm nhấn khác là sự vắng mặt của một số lãnh đạo cấp cao tại COP27. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận sẽ tham dự sự kiện này, nhưng người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ vắng mặt. Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện là ba nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak để ngỏ khả năng tới Ai Cập chừng nào chưa đạt tiến triển mới trong thông qua ngân sách mùa Thu ngày 17/11. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng không tham dự COP27.
Năm mục tiêu lớn
Trong bối cảnh đó, nghị trình COP27 có thể hướng tới bốn mục tiêu lớn sau.
Đầu tiên là củng cố cam kết của các nước tham dự về chống biến đổi khí hậu. Kết thúc COP26, tất cả các nước đã đồng ý sẽ tới COP27 với một kế hoạch về chống biến đổi khí hậu quyết liệt hơn. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua và chỉ có 27 quốc gia công bố hoặc cập nhật mục tiêu mới về đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.
Trước tình hình đó, giới chức Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước tới dự COP27 với quyết tâm lớn hơn bởi như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nói, nỗ lực ngăn Trái đất tăng 1,5 độ C “đang hấp hối”.
hứ hai, đó là vấn đề thiệt hại và đền bù. Thời gian qua, các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho nhiều nước đang phát triển. Trong khi các nước phát triển, với lượng phát thải nhà kính lớn, lại ít phải hứng chịu hệ quả hơn.
Do đó, một số nước đã kêu gọi xây dựng cơ chế tài chính để “đền bù” cho các nước đang phát triển. Từ trước đến nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối đề xuất này. Tuy nhiên, mới đây, tại một sự kiện trước thềm COP27, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cho biết Washington có thể thảo luận về vấn đề nêu trên.
Thứ ba là câu chuyện về thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển cũng kêu gọi xây dựng các quỹ mới trong hỗ trợ triển khai các biện pháp thích ứng trước hệ quả từ biến đổi khí hậu như hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng thêm các căn nhà chịu nhiệt hay phát triển hạt giống có thể chịu ngập. Đến nay, hầu hết các khoản ngân quỹ đều được dành cho vấn đề thủy lợi hay giảm phát thải.
Thứ tư, đó là đầu tư về chống biến đổi khí hậu. Một thập kỷ trước, các nước phát triển từng cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 để giúp đỡ các nước nghèo giảm phát thải và tác động từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tính đến nay, thống kê cho thấy chỉ có chưa đầy 90 tỷ USD được huy động.
Trong bối cảnh đó, các nước thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ tìm kiếm thêm các khoản hỗ trợ từ chính phủ các nước phát triển, các tập đoàn lớn hay một số tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Khi tình hình thế giới biến động phức tạp, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang phải đối mặt với nhiều lực cản lớn. COP27 là cơ hội để các nước ngồi lại, tìm kiếm giải pháp, vì tương lai riêng và cho một thế giới chung.
Theo Baoquocte.vn