.

Chủ tịch ECB cảnh báo nguy cơ căng thẳng tài chính ở Eurozone

Cập nhật: 20:39, 22/03/2023 (GMT+7)

Bà Lagarde phân tích căng thẳng thị trường do sự sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và ngân hàng Credit Suisse càng tăng thêm rủi ro suy giảm mới và khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn hơn.

Đồng tiền euro. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng tiền euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo AFP, ngày 22/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã cảnh báo rằng tình hình bất ổn tài chính gần đây có thể làm gia tăng "rủi ro suy giảm" trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong khi khẳng định các nhà hoạch định chính sách vẫn tập trung vào việc hạn chế lạm phát cao ngất ngưởng.

Trong bài phát biểu tại thành phố Frankfurt (Đức), bà Lagarde phân tích căng thẳng thị trường do sự sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và ngân hàng Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ "càng tăng thêm rủi ro suy giảm mới và khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn hơn."

Mặc dù không cam kết tăng thêm lãi suất nhưng bà Lagarde cho biết các nhà hoạch định chính sách vẫn có cơ sở để đảm bảo giảm bớt áp lực lạm phát.

Ông Robert Holzmann, thành viên Hội đồng thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngày 20/3 đã có quan điểm mềm mỏng hơn về lộ trình nâng lãi suất của ECB trong bối cảnh bất ổn tài chính hiện tại.

Mới chỉ cách đây hai tuần, phát biểu với nhật báo kinh doanh của Đức Handelsblatt, ông Holzmann, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Áo (tức ngân hàng trung ương), cho rằng ECB nên tăng lãi suất liên tục với mức 0,5 điểm phần trăm/lần tại bốn cuộc họp tiếp theo trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. ECB đã thực hiện một lần nâng lãi suất như vậy tại cuộc họp tuần trước.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình quốc gia Áo ORF TV, khi được hỏi ông có còn giữ quan điểm như trên trong bối cảnh bất ổn gần đây trên trong lĩnh vực ngân hàng không, ông Holzmann không loại trừ nhưng cũng không cho rằng nhất thiết phải nâng lãi suất với tốc độ như vậy.

Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde ngày 20/3 cho rằng sự bất ổn trên thị trường tài chính hiện nay có thể phần nào giúp ECB thực hiện nhiệm vụ giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát, vì việc tăng lãi suất và những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng thường có tác động tương tự trong việc làm giảm hoạt động cho vay và hạ nhiệt hoạt động kinh tế.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-ecb-canh-bao-nguy-co-cang-thang-tai-chinh-o-eurozone/852710.vnp)

.
.
.