.

Tiểu hành tinh 200 m lao về phía Trái Đất

Cập nhật: 20:41, 09/05/2023 (GMT+7)

NASA đang theo dõi chặt chẽ một tiểu hành tinh khổng lồ sắp bay qua gần Trái Đất vào cuối tháng 5 với tốc độ 25.750 km/h.

Mô phỏng tiểu hành tinh bay qua Trái Đất. Ảnh: HT Times
Mô phỏng tiểu hành tinh bay qua Trái Đất. Ảnh: HT Times

Thiên thể lớn đang bay về phía hành tinh có tên 2023 CL3, ước tính rộng khoảng 200 m. NASA xếp tiểu hành tinh này vào nhóm "Tiếp cận gần Trái Đất". Nhóm này bao gồm những khối đá vũ trụ cần tiếp tục nghiên cứu,

2023 CL3 có kích thước lớn hơn gấp đôi tượng Nữ thần Tự do (cao khoảng 93 m nếu tính cả phần bục và 46 m nếu tính riêng tượng). Tiểu hành tinh lớn cỡ đó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu đâm vào Trái Đất. Đó là lý do nếu tiểu hành tinh bay gần hơn 7,5 triệu km và lớn hơn 140 m, nó thường được đánh giá là "có khả năng gây nguy hiểm" bởi các cơ quan vũ trụ.

Theo dự kiến, tiểu hành tinh 2023 sẽ bay qua Trái Đất hôm 24/5 ở khoảng cách chỉ 7,2 triệu km. Đó không phải là khoảng cách lớn về mặt thiên văn. Các chuyên gia dự đoán tiểu hành tinh lớn sẽ bay qua Trái Đất an toàn ở tốc độ hơn 25.750 km/h.

Tiểu hành tinh là những thiên thạch nhỏ quay quanh mặt Trời. NASA ước tính có 1.113.527 tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời. Chúng quay quanh Mặt Trời và tập trung ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tuy nhiên, do tương đối nhỏ, tiểu hành tinh dễ chịu tác động của trọng lực và có quỹ đạo giao cắt với quỹ đạo của các hành tinh, theo Jay Tate, giám đốc đài quan sát Spaceguard ở Anh. Phần lớn tiểu hành tinh có kích thước từ 10 m đến 529 km.

Các nhà khoa học đang nhanh chóng phát triển phương pháp bảo vệ Trái Đất khỏi tiểu hành tinh nguy hiểm. Trước đó, một nhóm nhà khoa học NASA công bố 4 nghiên cứu xác nhận nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) thay đổi thành công đường bay của một tiểu hành tinh nhỏ sau khi tàu vũ trụ đâm trực tiếp vào nó. Các nhiệm vụ nối tiếp đang diễn ra hiện nay sẽ tìm cách tăng tính hiệu quả của kỹ thuật phòng thủ hành tinh này.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.