Thứ Ba, 02/05/2023, 19:46 (GMT+7)
.

Tổng thống Biden triệu tập 4 quan chức Quốc hội sau cảnh báo vỡ nợ sớm

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể cạn ngân sách vào đầu tháng Sáu, Tổng thống Biden thông báo sẽ triệu tập bốn quan chức hàng đầu của Quốc hội tới Nhà Trắng.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/5 thông báo sẽ triệu tập bốn quan chức hàng đầu của Quốc hội tới gặp mặt tại Nhà Trắng vào tuần tới, sau khi Bộ Tài chính nước này cảnh báo chính phủ có thể cạn ngân sách chi trả cho các hóa đơn vào đầu tháng Sáu.

Trong một bức thư gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cơ quan này khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ vào tháng Sáu, đồng nghĩa nước này sẽ vỡ nợ nếu Quốc hội không đưa ra bất cứ hành động nào.

Bộ Tài chính Mỹ cũng điều chỉnh hạn chót tiềm năng (còn gọi là "Ngày X") từ ngày 5/6 trước đó lên ngày 1/6, sau khi tính đến các khoản thu thuế tháng Tư. Tuy nhiên, "Ngày X" vẫn có khả năng xảy ra chậm hơn vài tuần so với mốc ngày 1/6.

Sau bức thư trên, Tổng thống Biden đã gọi điện cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (người đang có chuyến công du ngoại giao ở Jerusalem), cũng như lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell để sắp xếp một cuộc gặp về vấn đề này.

Nếu Quốc hội Mỹ không đưa ra hành động trước thời hạn mới do Bộ Tài chính đưa ra, chính phủ nước này có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có đối với một số hóa đơn.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ hôm thứ Hai đã bắt đầu "dọn đường" cho một cuộc bỏ phiếu dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỷ USD trong hai năm mà không cần điều kiện.

Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho một biện pháp như vậy. Thay vào đó, họ ủng hộ một dự luật được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua vào tuần trước.

Đề xuất chấp nhận nâng giới hạn nợ công thêm 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3 năm sau, tùy theo điều kiện nào đến trước. Đổi lại là khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong 10 năm.

Các khoản cắt giảm sẽ ảnh hưởng tới phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cũng như các biện pháp ưu đãi thuế đối với năng lượng Mặt Trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác.

Bộ Giao thông vận tại Mỹ cũng cảnh báo việc cắt giảm ngân sách có thể buộc họ đóng cửa hàng trăm tháp kiểm soát không lưu trên toàn quốc.

Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và chính Tổng thống Biden đã khẳng định sẽ không thông qua biện pháp nêu trên.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua. Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.

Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc bị đình chỉ, chính phủ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Hôm 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ công sẽ gây ra "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.

Theo bà, việc vỡ nợ sẽ đe dọa những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.

Bà Yellen lưu ý thêm nếu trần nợ không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ ngừng cấp khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội.

Theo giới quan sát, "cuộc chiến" về trần nợ công của Mỹ có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, khi các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn nhất trong ngân sách và dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi dân số nước này ngày một già đi.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-biden-trieu-tap-4-quan-chuc-quoc-hoi-sau-canh-bao-vo-no-som/860321.vnp)

.
.
.