Thế giới đối mặt nợ nần, chiến tranh thương mại và năng suất kém
Mức nợ chính phủ kỷ lục, căng thẳng địa chính trị đe dọa chia rẽ hệ thống thương mại toàn cầu và năng suất yếu trong thời gian dài có thể khiến thế giới đối mặt với tương lai tăng trưởng chậm.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda (giữa) và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trao đổi bên lề hội nghị kinh tế thường niên Jackson Hole ở Moran, bang Wyoming, Mỹ hôm 25-8. Ảnh: Bloomberg |
Quan điểm bi quan đó về nền kinh tế toàn cầu ở thời kỳ hậu đại dịch được nêu ra trong một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Kansas (Mỹ) và được tranh luận ở hội nghị kinh tế quốc tế thường niên Jackson Hole ở bang Wyoming (Mỹ) cuối tuần qua.
Báo cáo nghiên cứu xem xét các vấn đề như triển vọng đổi mới công nghệ, nợ công và tình trạng thương mại quốc tế trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine cũng như cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc làm xói mòn các cam kết toàn cầu hóa, vốn thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ.
“Các quốc gia đang ở trong một môi trường mong manh hơn. Họ đã sử dụng rất nhiều nguồn lực tài chính để đối phó với đại dịch… Sau đó, bạn chứng kiến các động lực kinh tế do chính sách điều khiển, sự phân mảnh về địa kinh tế, căng thẳng thương mại, sự tách rời giữa phương Tây và Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị thường niên Jackson Hole.
“Nếu chúng ta hướng đến thời điểm mà một phần thế giới có lượng dân số lớn bị mắc kẹt và không bắt kịp các nền kinh tế lớn, điều đó sẽ tạo ra áp lực nhân khẩu học và áp lực di cư rất lớn”, ông cảnh báo.
Gourinchas nhận định, có khả năng tăng trưởng toàn cầu sẽ có xu hướng chỉ đạt 3% hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức trên 4% vào những thập niên gần đây khi những tiến bộ nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy sản lượng toàn cầu cao hơn.
Nhưng ở thời kỳ hậu đại dịch, “môi trường tăng trưởng toàn cầu trở nên rất thách thức”, Maurice Obstfeld, cựu nhà kinh tế trưởng của IMF và hiện là thành viên tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nói.
Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề kinh tế dai dẳng cùng với dân số ngày càng thu hẹp. Các chính sách công nghiệp mới nổi ở Mỹ và các nơi khác đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất toàn cầu theo những cách có thể bền vững hơn hoặc phục vụ mục đích an ninh quốc gia nhưng cũng kém hiệu quả hơn.
Hội nghị kinh tế thường niên Jackson Hole là một trong những diễn đàn đầu tiên đánh giá sự phát triển kinh tế dài hạn của toàn cầu sau đại dịch và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách dường như đồng thuận rằng hai xu hướng từ trước đại dịch, nợ công và chủ nghĩa bảo hộ, đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng sức khỏe và các sự kiện khác gần đây.
Sau khi tăng vọt trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước, tỷ lệ nợ công trên sản lượng kinh tế thế giới đã tăng từ 40% lên 60% do chi tiêu lớn trong đại dịch và hiện có khả năng tăng lên mức mà các nỗ lực giảm nợ là không khả thi về mặt chính trị. Đó là nhận định của Serkan Arslanalp, nhà kinh tế học tại IMF tế và Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế tại Đại học California ở Berkeley trong một báo cáo chung gần đây.
Họ cho biết, tác động của nợ công khác nhau tùy theo từng nước, với các nước có nợ cao nhưng thu nhập cao hơn như Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn theo thời gian. Trong khi đó, các nước nhỏ hơn có thể đối mặt với khủng hoảng nợ hoặc bị mắc kẹt trong các hạn chế tài chính trong tương lai.
Giáo sư kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell cảnh báo, trên toàn cầu, hậu quả có thể nghiêm trọng nếu việc vay nợ công khiến nguồn vốn chảy ra khỏi các nước vẫn có dân số ngày càng tăng và nền kinh tế kém phát triển hơn.
Ông nói: “Điều này đặt chúng ta vào một bức tranh ảm đạm với những khu vực trên thế giới giàu lao động nhưng lại nghèo vốn”.
Trong khi dân số của các nước lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đều đang già đi thì dân số ở các nước châu Phi như Nigeria vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Một xu hướng khác trước đại dịch vẫn đang gia tăng là sự cởi mở đối với các chính sách, từ thuế quan bảo hộ hoàn toàn được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Mỹ Donald Trump cho đến nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đưa hoạt động sản xuất những mặt hàng quan trọng như chip trở lại Mỹ.
Tại hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein giải thích, các chính sách công nghiệp của chính quyền Joe Biden không nhất thiết thiên về ủng hộ hay chống lại thương mại quốc tế, vì Mỹ sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa trung gian cần thiết để sản xuất những sản phẩm, chẳng hạn như chip.
Những chuyên gia kinh tế khác lưu ý, cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự tách rời nhanh chóng của mạng lưới điện châu Âu khỏi năng lượng của Nga đã phá vỡ một trong những nguyên tắc then chốt thúc đẩy toàn cầu hóa: thương mại sẽ tạo ra các mối quan hệ đối tác lâu bền, nếu không phải là các đồng minh rõ ràng.
“Tôi vẫn nhớ một thời, có lẽ là một thời còn ngây thơ hơn, khi giao thương nhiều hơn sẽ tạo ra bạn bè”, Ben Broadbent, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, đại dịch đặt ra những nhu cầu hợp lý xung quanh khả năng xây dựng nguồn cung ổn định toàn cầu, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm như dược phẩm.
Tuy nhiên, bà cho rằng động thái sắp xếp lại mô hình sản xuất toàn cầu ở thời kỳ hậu đại dịch có nguy cơ cản trở các cơ hội tăng trưởng.
Một điểm sáng tiềm năng ở thời kỳ hậu đại dịch là cuộc thảo luận về những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) như một động lực có thể mang lại năng suất cao hơn.
Tuy nhiên, công nghệ AI cũng có thể gây ra những tổn thất tiềm tàng bao gồm việc làm bị mất mát. Hơn nữa, bất kỳ lợi ích nào từ công nghệ cũng có thể đến chậm.
“Tôi nghĩ công cụ AI ChatGPT giống như xe đạp tập thể dục tại nhà Peloton. Bạn có thể đặt chúng bao nhiêu tùy thích trong văn phòng tại nhà. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người sẽ sử dụng chúng”, Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của Công ty dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực (Mỹ), nói.
(Theo thesaigontimes.vn)