Trung Quốc bước vào giảm phát, bữa ăn sáng 3 món có giá chưa tới 10.000 đồng
Tại các nhà hàng Nanchengxiang ở Bắc Kinh, khách hàng có thể tận hưởng bữa sáng tự chọn gồm ba loại cháo, súp chua cay và sữa. Tất cả chỉ với giá 3 nhân dân tệ (gần 10.000 đồng).
Hàng hóa trong siêu thị ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo hãng tin Reuters, ông Gao Yi, 71 tuổi, cho biết khi ăn sáng cùng cháu trai tại một trong 160 nhà hàng của Nanchengxiang: “Nhiều lựa chọn ngon, rẻ đã xuất hiện trong đại dịch. Không phải tất cả đều tồn tại lâu. Nhưng luôn có những bữa ăn giá tốt mới xuất hiện. Chỉ cần ra ngoài để tìm”.
Đó là ví dụ cho thấy tình trạng giảm phát ở Trung Quốc. Sức tiêu dùng kém đang gây ra cuộc chiến giá cả giữa các chuỗi nhà hàng cấp thấp ở Trung Quốc. Đây là điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ vốn đang phải vất vả cạnh tranh giảm giá với những doanh nghiệp lớn.
Như đã xảy ra ở Nhật Bản những năm 1990, giảm phát nếu kéo dài có thể đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Ông Ben Cavender, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc ở Thượng Hải, cho biết: “Cần có những giao dịch tốt để thu hút người tiêu dùng, vì vậy có rất nhiều áp lực đối với các doanh nghiệp này trong việc tìm kiếm lợi nhuận”.
Tại Trung Quốc, tiền lương và lương hưu hầu như không thay đổi và thị trường việc làm rất bấp bênh, nhu cầu chi tiêu bị hạn chế.
Ông Zhu Danpeng, Phó giám đốc Liên minh Xúc tiến An toàn Thực phẩm tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Các chiến lược giảm giá, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo hơn, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay”.
Theo các nhân viên, ngày 10/8, nhà hàng Nanchengxiang ở khu vực trung tâm đã chật kín thực khách, giống như mọi buổi sáng từ khi bữa ăn 3 nhân dân tệ được đưa ra vào tháng 5.
Xishaoye, một cửa hàng nhượng quyền bánh mì kẹp thịt tại Bắc Kinh, cũng đã quảng cáo giảm giá. Nhân viên cửa hàng này nói rằng một số món ăn sẽ chỉ có giá 10 nhân dân tệ.
Yum China, công ty điều hành KFC tại Trung Quốc, đang thu hút khách hàng bằng thực đơn bánh mì kẹp thịt, đồ ăn nhẹ và đồ uống với giá 19,9 nhân dân tệ.
Ông Joey Wat, Giám đốc điều hành Yum China, nói với Reuters: “Lượng khách đã quay trở lại, nhưng số tiền mà mỗi người chi tiêu đã giảm. Trong suy nghĩ của chúng tôi, đại dịch dường như đã xảy ra từ lâu. Thực tế thì không phải vậy. Mọi người cần thời gian để thích nghi”.
Người tiêu dùng chọn mua hàng trong siêu thị ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng của nước này sụt giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm. Hoạt động chi tiêu trong nước yếu đã gây sức ép lên quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Báo cáo công bố ngày 9/8 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Giá sản xuất giảm thường đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống.
Đây là đợt công bố dữ liệu đáng thất vọng thứ hai đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tuần này. Trước đó ngày 8/8, các thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu của nước này giảm ở mức cao nhất trong hơn ba năm.
Chuyên gia kinh tế Andrew Batson của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics nhận định, những bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản là nguồn gốc chính cho "cú sốc giảm phát" này. Đây vốn là lĩnh vực chiếm tới 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu yếu kém cũng là yếu tố góp phần vào tình trạng giảm phát của Trung Quốc khi đây vốn là nguồn tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi giá hàng hóa rẻ hơn có thể hỗ trợ sức mua, giảm phát lại là mối đe dọa đối với nền kinh tế rộng lớn hơn, vì người tiêu dùng khi đó có xu hướng trì hoãn mua sắm, với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa. Nhưng nhu cầu giảm lại buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân, đồng thời phải đưa ra các đợt giảm giá để bán bớt lượng hàng tồn. Những điều này đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, ngay cả khi chi phí vẫn giữ nguyên.
Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do giá thịt lợn lao dốc - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này.
Hiện nhiều nhà phân tích lo ngại tình trạng giảm phát sẽ kéo dài hơn trong lần này, khi các động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc bị đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục trên 20%.
Theo Báo Tin Tức (TTXVN)