Thứ Hai, 09/10/2023, 16:47 (GMT+7)
.

Xung đột Hamas-Israel có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Xung đột Hamas-Israel "giáng đòn mạnh" vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá vốn do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Khói lửa bốc lên trong các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza nhằm đáp trả loạt rocket của Phong trào Hamas nhằm vào lãnh thổ nhà nước Do Thái. Ảnh: AFP/TTXVN
Khói lửa bốc lên trong các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza nhằm đáp trả loạt rocket của Phong trào Hamas nhằm vào lãnh thổ nhà nước Do Thái. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia nhận định việc xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, có thể khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như "giáng đòn mạnh" vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá vốn do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế thế giới còn tùy thuộc vào diễn biến xung đột.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Agustin Carstens cho rằng còn quá sớm để có thể chỉ ra tác động của cuộc xung đột hiện nay dù thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Nhưng cuộc xung đột ở Trung Đông ít nhất cũng có nguy cơ tạo ra những tác động khó dự đoán trước đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang chậm lại và thị trường Mỹ vẫn đang thích ứng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao lâu hơn.

Nhà kinh tế trưởng Carl Tannenbaum của Công ty Dịch vụ Tài chính Northern Trust cho rằng bất kỳ nguồn gốc gây bất ổn kinh tế nào cũng làm trì hoãn việc ra quyết định, làm tăng phần bù rủi ro và có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ vì đây là khu vực sản xuất dầu mỏ lớn.

Nhà kinh tế trưởng Karim Basta tại công ty cố vấn đầu tư III Capital Management cho rằng xung đột có thể khiến giá dầu tăng cao hơn, kéo theo lạm phát tăng lên, gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Tình hình bất ổn tái diễn ở Trung Đông và các vấn đề liên quan có thể trở thành nội dung thảo luận chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tham dự Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Marrakesh (Maroc) trong tuần này nhằm đánh giá tình hình kinh tế thế giới vốn vẫn đang trong tình trạng biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng thương mại gia tăng.

Đối với các ngân hàng trung ương, vấn đề đặt ra là xung đột Hamas-Israel có gây ra áp lực lạm phát mới hay không khi khu vực này không chỉ có các nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Iran và Saudi Arabia mà còn có các tuyến hàng hải thương mại lớn thông qua Vịnh Suez.

Giới chức Fed còn nhận định giá năng lượng cao gần đây có thể gây rủi ro cho triển vọng giảm dần lạm phát nhưng cho rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng tránh được suy thoái do cú sốc bất ngờ từ bên ngoài.

Cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu mỏ, nhưng xung đột xảy ra tại khu vực sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới, do vậy phản ứng của các nước như Iran, Saudi Arabia sẽ được theo dõi chặt chẽ vì nó có thể gây ra đợt tăng giá mới.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/xung-dot-hamasisrael-co-the-gay-rui-ro-cho-kinh-te-toan-cau/901083.vnp)

.
.
.