Dấu hiệu cho thấy khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã qua
EC ngày 27-2 đã khuyến nghị các nước cần tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2022, nhưng hủy bỏ yêu cầu bắt buộc như đã được nhất trí vào năm 2022.
Công nhân kiểm tra hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại nhà máy ở Hajduszoboszlo, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hạn chế tiêu thụ khí đốt, nhưng nới lỏng chính sách khi cho phép hoàn toàn tự nguyện, một dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này có thể đã qua.
Các nước EU năm 2022 đặt mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong các tháng mùa Đông, một trong số nhiều biện pháp khẩn cấp đã được thông qua sau khi Nga giảm nguồn cung cho châu Âu, gây khủng hoảng và khiến giá cao kỷ lục.
EC ngày 27/2 đã khuyến nghị các nước cần tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, EC đã hủy bỏ yêu cầu bắt buộc như đã được nhất trí vào năm 2022.
Theo các quan chức EU, một số nước cho rằng chính sách trên không còn cần thiết, do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã qua và các nước đã liên tục giảm nhu cầu khí đốt kể từ sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine.
EC nhận định tình hình nguồn cung năng lượng ở châu Âu đã cải thiện đáng kể, khi các nước đã thay thế nguồn cung của Nga bằng năng lượng tái tạo và khí đốt từ các nguồn cung khác.
Tuy nhiên, EC cho rằng khi các thị trường khí đốt toàn cầu thắt chặt và mục tiêu của EU là dừng hoàn toàn sử dụng dầu mỏ và khí đốt của Nga, việc tiếp tục giảm mức tiêu thụ là cần thiết.
Giá khí đốt tại châu Âu trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm.
Mức tiêu thụ khí đốt tại các quốc gia EU giảm 18% kể từ tháng 4/2022, khi giá khí đốt chạm mức kỷ lục, đến tháng 12/2023.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/dau-hieu-cho-thay-khung-hoang-nang-luong-o-chau-au-da-qua-post929910.vnp)