Thứ Năm, 18/04/2024, 10:44 (GMT+7)
.

Nội các chiến tranh Israel lục đục giữa chiến sự

Những bất đồng chính trị âm ỉ kéo dài cả thập kỷ khiến ba thành viên chủ chốt trong nội các chiến tranh Israel khó tìm thấy tiếng nói chung giữa chiến sự.

Sáu tháng đã qua kể từ khi xung đột với Hamas bùng phát, công chúng Israel vẫn chia rẽ sâu sắc về cách nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Dải Gaza. Là ba lãnh đạo cấp cao trong nội các chiến tranh, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và lãnh đạo phe đối lập Benny Gantz phải nỗ lực tìm kiếm sự thống nhất cho mục tiêu đó.

Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh và bất đồng chính trị âm ỉ đã khiến quan hệ giữa những người ra quyết định của Israel trong thời chiến xấu đi. Ba người thường xuyên tranh cãi về những quyết định lớn, như cách tiến hành cuộc tấn công mang tính quyết định ở Gaza, giải cứu con tin và quản lý dải đất hậu xung đột.

Giờ đây, ba chính trị gia này phải cùng nhau đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của đất nước: làm thế nào để phản ứng với đòn tập kích trực diện đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel. Tình trạng ganh đua, cạnh tranh quyền lực giữa ba người sẽ tác động sâu sắc đến động thái đáp trả của Israel, điều có thể định đoạt vận mệnh tương lai của cả khu vực Trung Đông.

"Ba người này rõ ràng rất thiếu tin tưởng nhau", Giora Eiland, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói.

Nội các chiến tranh của Israel được thành lập ngày 11-11-2023, chỉ 5 ngày sau khi chiến sự Gaza bùng phát, nhằm điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả. Nội các chiến tranh được quyền cập nhật các mục tiêu quân sự và chiến lược trong cuộc xung đột, song mọi quyết định đều cần Nội các An ninh do Thủ tướng Netanyahu làm chủ tịch phê duyệt.

Tuy nhiên, bất đồng nảy sinh khi ông Netanyahu, thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, ngày càng cố gắng tự mình chỉ đạo cuộc chiến ở Gaza, trong khi ông Gallant và Gantz được cho đang cố gắng ngăn ông Netanyahu đưa ra các quyết định đơn phương.

Hôm 15-1, cựu thủ tướng Israel Yair Lapid, thành viên phe đối lập, cho hay ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant đã "không còn nói chuyện với nhau". Lapid nói rằng các cuộc họp của nội các chiến tranh đã trở thành "đấu trường để các bên ghi điểm, đấu đá với các cuộc thảo luận không dẫn tới đâu".

Nội các Israel họp cùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức an ninh vào rạng sáng 14/4 tại Tel Aviv, theo dõi diễn biến cuộc tấn công từ Iran. Ảnh: AFP
Nội các Israel họp cùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức an ninh vào rạng sáng 14-4 tại Tel Aviv, theo dõi diễn biến cuộc tấn công từ Iran. Ảnh: AFP

Thủ tướng Netanyahu thường không cho ông Gallant và Gantz biết về những quyết định quan trọng, theo các quan chức và cựu quan chức Israel. Trong nỗ lực kiểm soát nguồn tiếp tế vào Dải Gaza, ông Netanyahu đã bổ nhiệm quan chức phụ trách viện trợ nhân đạo, người báo cáo trực tiếp cho văn phòng Thủ tướng và bỏ qua hai lãnh đạo còn lại trong nội các thời chiến.

"Thủ tướng khó có thể yêu cầu quân đội làm những gì mình muốn nếu Bộ trưởng Quốc phòng không nhất trí. Sự thiếu hợp tác giữa họ khiến mọi thứ trở nên rất khó khăn", Amir Avivi, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Israel, nói.

Căng thẳng giữa các cá nhân trong nội các chiến tranh Israel đã bắt nguồn từ hơn 10 năm trước. Chính phủ ông Netanyahu năm 2010 đề cử Gallant, người có 30 năm đóng góp cho lực lượng vũ trang Israel, trở thành lãnh đạo quân đội.

Sau khi được đề cử, ông Gallant bị cáo buộc tiến hành chiến dịch bôi nhọ các ứng viên khác, trong đó có Gantz. Gallant phủ nhận, nhưng bê bối này đã khiến ông vuột mất ghế lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Benny Gantz đảm nhận vị trí lãnh đạo quân đội giai đoạn 2011-2015, lãnh đạo hai chiến dịch lớn chống lực lượng Hamas ở Gaza. Ông sau đó tận dụng đòn bẩy này để khởi động sự nghiệp chính trị, thành lập đảng mới vào năm 2019 và trở thành đối thủ chính của ông Netanyahu trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, ba cuộc bầu cử trong một năm sau đó không mang lại chiến thắng rõ ràng cho cả Gantz và Netanyahu. Năm 2020, cả hai đồng ý thiết lập liên minh cầm quyền và luân phiên đảm nhận vai trò thủ tướng, nhằm chấm dứt giai đoạn bất ổn chính trị ở Israel. Tuy nhiên, thỏa thuận sụp đổ chỉ trong một năm.

Gantz cáo buộc Netanyahu ngăn cản ông tiếp quản vị trí thủ tướng, trong khi Netanyahu nói rằng ông không thể điều hành chính phủ khi hợp tác với Gantz. Trong cuộc bầu cử năm 2021, đảng của ông Gantz giành được ít ghế hơn trong quốc hội và phải "rời đi trong đau đớn", Reuven Hazan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói.

Năm 2023, chính phủ mới của ông Netanyahu tìm cách cải cách hệ thống tư pháp Israel, làm dấy lên làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng, trong đó có nhiều quân nhân dự bị tham gia. Lo ngại nguy cơ khủng hoảng trong quân đội đe dọa an ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Gallant kêu gọi Thủ tướng trì hoãn kế hoạch cải cách tư pháp.

Thủ tướng Israel đã sa thải Gallant, gây ra các cuộc đình công và bất ổn nghiêm trọng, khiến ông sau đó phải đình chỉ dự luật cải cách tư pháp. Hai tuần sau, ông Gallant được phục chức.

Cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel hồi đầu tháng 10-2023 đã đưa ba người trở lại với nhau trong nội các chiến tranh. Ông Gantz và Gallant cố gắng gạt bỏ bất đồng giữa họ để hoàn thành nhiệm vụ với đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Lầu Năm Góc hôm 26/3. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Lầu Năm Góc hôm 26-3. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa hai người và ông Netanyahu. Thủ tướng Israel đổ lỗi cho các cơ quan quốc phòng và tình báo về thất bại an ninh trong cuộc tấn công của Hamas. Sau khi vấp chỉ trích từ Gantz, ông Netanyahu đã lên tiếng xin lỗi.

Bộ trưởng Quốc phòng đề xuất mở chiến dịch tấn công phủ đầu chống lại Hezbollah ở Lebanon, nhưng Thủ tướng Netanyahu bác bỏ. Ông Netanyahu và ông Gallant bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo riêng, đôi khi chỉ cách nhau vài phút. Khi được hỏi về lý do tổ chức họp báo riêng, ông Netanyahu nói đã đề xuất họp chung, nhưng ông Gallant nói sẽ tự có những quyết định của mình.

Dưới áp lực lớn từ phe cực hữu trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Netanyahu đầu tháng này tuyên bố sẽ đưa quân tấn công thành phố Rafah tại Gaza, nơi được xem là thành trì cuối cùng của Hamas và hiện có hơn một triệu người Palestine trú ẩn. Song ý tưởng này của ông vấp phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng Gallant, người không muốn khiến Mỹ bất bình.

Mỹ đã phản đối Israel tiến hành chiến dịch ở Rafah và ông Gallant lo ngại quyết định tấn công của ông Netanyahu có thể làm tổn hại quan hệ hai nước, đánh mất hỗ trợ tài chính và quân sự quan trọng của Mỹ. Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng nói với Thủ tướng Israel rằng hỗ trợ của Mỹ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào cách Israel đối xử với dân thường ở Gaza.

Ba lãnh đạo cũng có những ý kiến khác nhau về tương lai Gaza hậu xung đột. Thủ tướng Netanyahu không muốn Chính quyền Palestine ở Bờ Tây tiếp quản vai trò gì ở Gaza và muốn quân đội Israel cùng phối hợp với lãnh đạo địa phương quản lý khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho rằng để Chính quyền Palestine tiếp quản Gaza là lựa chọn tốt nhất. Ông nói thà để Gaza chìm trong hỗn loạn còn hơn để binh sĩ Israel quản lý vùng đất này.

Ông Netanyahu tháng trước hủy chuyến thăm Washington để bày tỏ phản đối việc Mỹ không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện ở Gaza. Ông Gallant sau đó vẫn tiếp tục chuyến thăm mà không có Thủ tướng đồng hành.

Lãnh đạo đối lập Gantz cũng bay tới Washington tháng trước, bất chấp phản đối của Thủ tướng. Chính quyền ông Biden đã công khai tiếp đón ông Gantz, trong khi bày tỏ thất vọng với ông Netanyahu.

Cách giải cứu con tin bị Hamas giữ ở Gaza cũng là lĩnh vực mà ba lãnh đạo nội các chiến tranh Israel không thể tìm thấy điểm chung. Ông Gantz công khai kêu gọi hướng tới thỏa thuận thả con tin, nói rằng mạng sống của họ gặp nguy hiểm. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu và ông Gallant nhấn mạnh chỉ có áp lực quân sự cùng các cuộc đàm phán mới giúp con tin được tự do.

Tuy nhiên, ông Netanyahu đã kiểm soát nhóm đàm phán của Israel và đôi khi có lập trường cứng rắn về các điều khoản trong thỏa thuận với Hamas. Thủ tướng Israel chỉ trích nhiều người sai lầm khi nói ông cố tình ngăn cản thỏa thuận, trong khi những người thân cận nói rằng ông là nhà đàm phán cứng rắn.

Những nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn 6 tuần của Mỹ trở nên khó khăn hơn sau khi Israel tiến hành đòn tập kích ở miền bắc Gaza khiến ba con trai của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng.

Khi đàm phán bế tắc, hàng nghìn người biểu tình ở Israel để phản đối cách xử lý xung đột của Netanyahu. Ông Grantz hồi đầu tháng này kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào tháng 9.

Khảo sát dư luận cho thấy ông Gantz là lãnh đạo được ủng hộ nhiều nhất ở Israel. Trong trường hợp ông Netanyahu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và phải từ bỏ quyền lực, Gantz sẽ là chính trị gia tiềm năng nhất thay thế.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (giữa) và lãnh đạo đối lập Benny Gantz tại cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel hồi tháng 11/2023. Ảnh: TOI
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (giữa) và lãnh đạo đối lập Benny Gantz tại cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel hồi tháng 11-2023. Ảnh: TOI

Rạn nứt xuất hiện ngày càng nhiều trong liên minh thời chiến của ông Netanyahu, giữa lúc Israel chưa hoàn thành chiến dịch ở Gaza và đối mặt thêm với những thách thức an ninh mới. Cuộc tập kích của Iran cuối tuần trước là một trong số đó.

Ba thành viên nội các chiến tranh đã nhóm họp mỗi ngày kể từ khi Iran tập kích hàng trăm tên lửa, UAV vào Israel tối 13-4. Họ cam kết sẽ đáp trả Tehran, song chưa thể nhất trí về thời gian, quy mô và địa điểm hành động. Họ phải đối mặt áp lực tìm cách cân bằng giữa mục tiêu đáp trả Iran và tránh leo thang xung đột thành chiến tranh khu vực, khiến đồng minh Mỹ và khối Arab xa lánh.

Tổng thống Biden đã kêu gọi người Israel thận trọng trong bất kỳ quyết định phản ứng nào đối với cuộc tập kích, đồng thời loại trừ khả năng Mỹ tham gia cuộc tấn công của Tel Aviv trên lãnh thổ Iran.

"Rủi ro từ những tính toán sai lầm là rất lớn. Chúng tôi đang bước vào giai đoạn nguy hiểm trong xung đột Israel - Iran", Raz Zimmt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nói.

(Theo vnexpress.net)

 

.
.
.