Thứ Sáu, 24/05/2024, 16:28 (GMT+7)
.

Các đảng cực hữu chiếm ưu thế trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu

Đảng Tập hợp quốc gia cực hữu (RN) dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận hướng tới cuộc bầu cử EP, trong khi đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron cạnh tranh vị trí thứ hai với đảng Xã hội.

Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/5, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thuộc đảng Phục hưng và lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia cực hữu (RN) Jordan Bardella đã có cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến diễn ra tại Pháp ngày 9/6 tới.

RN hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận hướng tới cuộc bầu cử EP, trong khi đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron đang cạnh tranh vị trí thứ hai với đảng Xã hội.

Theo một nghiên cứu của Toluna-Harris Interactive, đảng của Tổng thống chỉ đạt được 15% phiếu bầu, đảng Xã hội có 14,5%. Trong khi đó, RN vượt lên trên với 31,5%.

Cuộc tranh luận giữa ông Attal, 35 tuổi, và ông Bardella, 28 tuổi, diễn ra khá căng thẳng về nhiều vấn đề - từ nhập cư đến chính sách đối ngoại.

Trước đó, người đứng đầu danh sách tranh cử của đảng Phục hưng, bà Valerie Hayer đã không tạo được ảnh hưởng và bị nhiều người cho là đã thua trong cuộc tranh luận với ông Bardella hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò tại Italy cho thấy đảng cực hữu Người Anh em Italy (FdI) của Thủ tướng Giorgia Meloni vẫn dẫn trước các đối thủ với khoảng cách khá xa, dù đã tụt hạng trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử.

Cuộc thăm dò do Viện Ipsos thực hiện từ ngày 20-21/5, trong đó 26,5% dự định bỏ phiếu cho FdI. Đảng đối lập chính Dân chủ (DP, trung tả) được 22,5% (tăng một điểm so với cuộc thăm dò vào tháng 4 vừa qua), trong khi Phong trào Năm sao (M5S) ở vị trí thứ 3, giảm nửa điểm xuống 15,4%.

Forza Italia, đảng thiên hữu, được 9,2% (tăng 0,6%), theo đó đảng này sẽ trở thành đảng thứ 2 trong liên minh cầm quyền cực hữu ở Italy.

Cuộc thăm dò của Ipsos cũng cho thấy hai đảng khác có khả năng vượt qua ngưỡng 4% cần thiết để vào EP là đảng Xanh (EV) và Liên minh cánh tả (SI), với 4,6%, và đảng trung dung Hợp chủng châu Âu (NM) được 4,1%.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, đảng cực hữu Thay thế cho nước Đức (AfD) đã bị loại khỏi Nhóm Bản sắc và dân chủ (ID) trong EP do tranh cãi xung quanh ứng cử viên dẫn đầu của đảng này, ông Maximilian Krah.

Diễn biến trên được cho là bộc lộ những rạn nứt sâu sắc trong phe cực hữu trong EU. Hiện chưa rõ liệu việc này có ảnh hưởng đến cử tri trong cuộc bầu cử EP sắp tới hay không.

AfD đã đạt được kết quả cao trong các cuộc thăm dò dư luận ở Đức năm 2023 và đảng này cũng hy vọng sẽ đạt được thành tựu lớn trong cuộc bầu cử cấp bang ở Đức vào mùa Thu tới. Tuy nhiên, trong năm nay, đảng này đã vấp phải sự phản đối của hàng triệu người Đức vì quan điểm cực hữu và những phát ngôn tiêu cực.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-dang-cuc-huu-chiem-uu-the-truoc-them-bau-cu-nghi-vien-chau-au-post955231.vnp)

.
.
.