.

G7 chưa thể thống nhất cách thức sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga

Cập nhật: 05:03, 27/05/2024 (GMT+7)

G7 đã đạt được những bước tiến về việc tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng từ số tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu để hỗ trợ Ukraine, song chưa hoàn thiện do các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại thành phố Stresa, miền Bắc Italy. Nguồn: Kyodo
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại thành phố Stresa, miền Bắc Italy. Nguồn: Kyodo

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc trong ngày 25/5.

Tại hội nghị, các bên tham gia đã đề cập đến các xu hướng kinh tế toàn cầu, kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Ukraine và lĩnh vực ngân hàng phát triển đa phương.

Sau hội nghị kéo dài 3 ngày tại thành phố Stresa, miền Bắc Italy, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 ra thông cáo chung đánh giá nền kinh tế toàn cầu chứng tỏ “khả năng phục hồi cao hơn dự kiến” trong bối cảnh có nhiều thách thức.

Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn nội dung thông cáo chung nhận định “thị trường lao động vẫn tương đối mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, mặc dù lạm phát cơ bản đang tồn tại dai dẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.”

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử và triển vọng kinh tế toàn cầu “có nguy cơ đối mặt với những rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và giá năng lượng biến động."

Thông cáo xác nhận G7 đã thống nhất về mục tiêu hỗ trợ Ukraine và thực hiện định hướng đó thông qua biện pháp tối đa hóa lợi nhuận tiềm năng từ số tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu “để mang lại lợi ích” cho Kiev, nhưng phải nỗ lực tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti cho biết các bên đã đạt được những bước tiến trong vấn đề trên, song chưa hoàn thiện do các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta giải thích G7 cần đánh giá các ưu và nhược điểm, bởi vì vấn đề này “có thể tác động đến hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế."

Quyết định cuối cùng về vấn đề sử dụng lợi nhuận thu được từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra trong tháng Sáu tại vùng Apulia, miền Nam Italy - quốc gia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên G7.

Trước đó cùng ngày, báo chí Nga dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Anton Siluanov tuyên bố Moskva sẽ đáp trả nếu các nước phương Tây “sử dụng bất hợp pháp các tài sản” của Nga.

Hôm 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh cho phép nước này lấy tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, để bồi thường cho các tài sản của Moskva bị Washington phong tỏa và tịch thu.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/g7-chua-the-thong-nhat-cach-thuc-su-dung-tai-san-bi-phong-toa-cua-nga-post955455.vnp)

.
.
.