.

Tình hình tài chính công và mức thâm hụt ngân sách Pháp đáng lo ngại

Cập nhật: 21:39, 15/07/2024 (GMT+7)

Tình hình tài chính công và mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng ở Pháp hiện đáng lo ngại, đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm nếu xảy cú sốc kinh tế vĩ mô mới.

Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Lille, miền Bắc Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Lille, miền Bắc Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/7, Văn phòng Kiểm toán công quốc gia Pháp cảnh báo tình hình tài chính công và mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng ở nước này hiện đáng lo ngại, đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm nếu xảy cú sốc kinh tế vĩ mô mới.

Văn phòng Kiểm toán Cour des Comptes nhắc lại rằng điều quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là giảm thâm hụt công.

Theo cơ quan trên, sự chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu thực chất khiến chi phí nợ công ngày càng cao hơn trong khi vấn đề này vốn đã trở nên trầm trọng hơn do thâm hụt tái diễn và gánh nặng của những khoản thâm hụt này.

Điều này đã cản trở các khoản chi tiêu khác, giảm khả năng đầu tư và khiến nước Pháp rơi vào tình thế nguy hiểm trước cú sốc kinh tế vĩ mô mới.

Cơ quan trên đánh giá các chương trình tài chính công của Pháp đã không tính toán đầy đủ những chi phí liên quan đến các chính sách nhằm bảo vệ môi trường, như sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Pháp và 6 quốc gia khác sẽ bị kỷ luật vì thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đưa ra thời hạn giảm mức thâm hụt vượt quá quy định trước tháng 11.

Pháp có thâm hụt ngân sách là 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023, tăng từ mức 4,8% GDP vào năm 2022 và cao hơn giới hạn thâm hụt 3% GDP của EU.

Nợ công của Pháp là 110,6% GDP vào năm 2023. EC dự đoán con số này sẽ tăng lên 112,4% trong năm nay và lên 113,8% vào năm 2025 trong khi giới hạn của EU là 60%.

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cam kết đến năm 2027 sẽ đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% GDP theo quy định của EU, nhưng triển vọng thực hiện cam kết này trở nên nan giải hơn sau cuộc bầu cử quốc hội gần đây cho thấy không có đảng nào giành thế đa số.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's và S&P Global đã cảnh báo bế tắc chính trị có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Pháp.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-tai-chinh-cong-va-muc-tham-hut-ngan-sach-phap-dang-lo-ngai-post964850.vnp)

.
.
.