Thứ Hai, 07/10/2024, 10:14 (GMT+7)
.

Israel tiến thoái lưỡng nan trong cuộc chiến với Hezbollah

Đòn không kích của Israel không đủ để đẩy lùi Hezbollah khỏi biên giới phía bắc, nhưng chiến dịch trên bộ cũng tiềm ẩn nguy cơ sa lầy với Tel Aviv.

Israel gần đây liên tục giáng đòn vào Hezbollah ở Lebanon bằng các đợt không kích diện rộng, tăng cường hạ sát chỉ huy, đồng thời tăng sức ép với Iran, đồng minh quan trọng nhất của nhóm vũ trang.

Tuy nhiên, các cuộc không kích quy mô lớn này dường như không thể giúp Israel đạt được mục tiêu mà họ mong muốn, đó là đẩy lùi Hezbollah ra khỏi khu vực biên giới và đảm bảo an toàn cho miền bắc đất nước để người dân trở về.

Dù Israel đã hạ sát hầu hết thủ lĩnh hàng đầu của Hezbollah và phá hủy nhiều tên lửa, nhóm vũ trang ở Lebanon vẫn có kho vũ khí lớn và hàng chục nghìn thành viên được huấn luyện bài bản. Bất chấp những đợt ném bom dữ dội của đối phương, Hezbollah tiếp tục nã rocket vào miền bắc Israel và từ chối thỏa thuận ngừng bắn cho tới khi Tel Aviv chấm dứt chiến dịch chống Hamas ở Dải Gaza.

Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel ở Dahiyeh, thủ đô Beirut, Lebanon ngày 4/10. Ảnh: AP
Khói lửa bốc lên sau vụ không kích của Israel ở Dahiyeh, thủ đô Beirut, Lebanon ngày 4/10. Ảnh: AP

Điều đó buộc Israel phải tiến hành chiến dịch trên bộ vào biên giới phía nam Lebanon, với mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương và đẩy lùi lực lượng Hezbollah tới bờ bắc sông Litani. Một số quan chức quân đội Israel nói họ không có ý định leo thang thành cuộc chiến trên bộ quy mô lớn ở Lebanon.

Tuy nhiên, một quan chức Israel thừa nhận những diễn biến căng thẳng có thể thúc đẩy họ hành động sâu hơn vào lãnh thổ Lebanon. "Đó không phải ý định của chúng tôi", người này nói về cuộc chiến diện rộng. "Nhưng tất nhiên, chúng tôi có thể bị kéo vào kịch bản như vậy".

Điều đó khiến Israel đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi việc đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Lebanon đi kèm với những rủi ro rất lớn. Giao tranh ác liệt những ngày qua đã khiến ít nhất 8 binh sĩ Israel thiệt mạng, trong đó có một số thành viên của đơn vị Egoz tinh nhuệ được thành lập để chống Hezbollah.

Ngoài ra, khi triển khai bộ binh kiểm soát vùng đệm sâu bên trong lãnh thổ Lebanon, Israel có thể trao cho Hezbollah cơ hội cáo buộc họ là "bên chiếm đóng" và huy động lực lượng nổi dậy chống lại "quân xâm lược", đồng thời tập hợp ủng hộ ở Lebanon và củng cố lực lượng.

"Chiến dịch không kích của Israel vào các mục tiêu Hezbollah đã rất thành công. Nhưng nếu tiến hành chiến dịch trên bộ quá lâu, họ có thể sa lầy vào cuộc chiến mà Hezbollah mong muốn", Hussein Ibish, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, nói.

Cuộc tấn công của Israel vào Lebanon năm 1982 ban đầu cũng được dự kiến có quy mô hạn chế. Nhưng cuối cùng, Israel đã đưa quân bao vây thủ đô Beirut để đối phó Tổ chức Giải phóng Palestine.

Lực lượng Israel sau đó rút quân trở lại vùng đệm ở biên giới miền nam Lebanon. Hezbollah đã tiếp tục chiến đấu với lính Israel ở vùng đệm này cho tới khi Tel Aviv phải rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ nước láng giềng vào năm 2000.

Hai chiến dịch khác của Israel năm 1978 và 2006 đã gây thiệt hại đáng kể cho Hezbollah ở miền nam Lebanon, nhưng cũng không giúp Tel Aviv đạt được lợi ích an ninh lâu dài.

Tránh lặp lại những thất bại đó, chiến dịch mới nhất của Israel vào Lebanon nhiều khả năng giống với cuộc chiến chống Hamas ở Gaza, theo Sanam Vakil, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London.

Tại Gaza, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích và đột kích để phá hủy nhiều lực lượng chiến đấu, vũ khí và hệ thống đường hầm của Hamas nhất có thể, trong khi vẫn duy trì kiểm soát 2 hành lang trên dải đất này.

"Giống ở Gaza, tôi cho rằng họ sẽ sử dụng mối đe dọa hiện diện quân sự lâu dài như đòn bẩy để thương lượng", Vakil nói.

Xe tăng Israel ở khu vực phía bắc gần biên giới Lebanon ngày 30/9. Ảnh: AP
Xe tăng Israel ở khu vực phía bắc gần biên giới Lebanon ngày 30/9. Ảnh: AP

Một số quan chức Israel nói rằng mục tiêu cuối cùng của họ là đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có điều kiện Hezbollah rút khỏi miền nam Lebanon và giải trừ quân bị. Đồng thời, quân đội chính phủ Lebanon và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sẽ kiểm soát vùng đệm dọc biên giới nước này với Israel.

"Điều này sẽ giúp Israel thoát khỏi kịch bản phải đưa quân chiếm đóng lâu dài hoặc các cuộc tấn công không hồi kết ở Lebanon. Tuy nhiên, có những trở ngại đáng kể cho một thỏa thuận như vậy", nhà phân tích Walker cho hay.

Hezbollah cho đến nay đã phớt lờ mọi áp lực của Israel để tiếp tục giao tranh, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hamas ở Gaza. Nỗ lực đàm phán ngừng bắn ở Gaza vẫn bế tắc, dù Mỹ và các quốc gia Arab đã tìm cách tháo gỡ nhiều tháng qua.

Một vấn đề khác cản trở bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Lebanon là Israel sẽ đàm phán với ai. Việc Israel hạ sát thủ lĩnh Nasrallah cùng các chỉ huy cấp cao đã khiến nhóm vũ trang rơi vào tình trạng hỗn loạn.

"Thỏa thuận ngừng bắn sẽ cần sự hiện diện của lãnh đạo Hezbollah, người mà các bên có thể tin tưởng", Ofer Fridman, nhà nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học King’s College London, nói. Nhưng Hashem Safieddine, người kế nhiệm tiềm năng của Nasrallah, nhiều khả năng cũng đã bị Israel hạ sát trong đòn không kích ở ngoại ô Beirut hôm 4/10.

"Chiến tranh luôn diễn biến rất khó lường. Bất kể kế hoạch của Israel ở Lebanon là gì, nó có thể vượt tầm kiểm soát của họ bất cứ lúc nào", Fridman nói.

Cuộc tập kích bằng gần 200 tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel tối 1/10 cho thấy giao tranh xung quanh biên giới nước này có thể biến thành xung đột khu vực lớn hơn, khi Tehran báo hiệu sẽ không khoanh tay đứng nhìn đồng minh bị tấn công.

"Israel có lẽ còn lâu mới giành lại được an ninh mà họ đánh mất một năm trước khi vòng xung đột mới nhất ở Trung Đông bắt đầu", Marcus Walker, nhà phân tích của WSJ, nhận định.
 

Vị trí Lebanon và Israel. Đồ họa: AFP
Vị trí Lebanon và Israel. Đồ họa: AFP

(Theo vnexpress.net)

.
.
.