.

Kinh tế tuần hoàn - con đường phát triển bền vững

Cập nhật: 10:21, 10/11/2024 (GMT+7)

Dân số ngày càng tăng, sự giàu có gia tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhưng không được hỗ trợ bởi các hệ thống quản lý rác thải phù hợp đã và đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu. 

b

Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích môi trường, mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế mới. (Nguồn:idatax.in)

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiểu khái quát nhất là mô hình kinh tế hoạt động theo vòng tròn. Theo đó, phế phẩm của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo thành vòng lặp khép kín. Nhờ đó, giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, giúp việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải ở mức tối thiểu, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải giảm đáng kể.

Khủng hoảng rác thải toàn cầu?

Một nghiên cứu về KTTH do Ban thư ký Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đưa ra kết luận - phát sinh chất thải là vấn đề toàn cầu, đang ngày càng tồi tệ hơn. Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo, lượng chất thải rắn toàn thế giới hàng năm sẽ tăng 69% từ 2 tỷ tấn vào năm 2016 lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050.

Các nền kinh tế có thu nhập cao đóng góp 1/3 lượng chất thải toàn cầu, mặc dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới. Còn các nền kinh tế có thu nhập thấp tạo ra ngày càng nhiều chất thải, tính trên đầu người - một vấn đề đặc biệt trầm trọng do các hệ thống quản lý chất thải kém hiệu quả và thiếu nhận thức.

Chất thải do quản lý kém là nguồn ô nhiễm đại dương, thải ra khí nhà kính, gây ô nhiễm cảnh quan, gây hại cho sức khỏe và nền kinh tế... Trong đó, quản lý rác thải nhựa khó khăn hơn vì nhựa không chỉ không phân hủy sinh học, mà vẫn đang được sản xuất với khối lượng khổng lồ.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác nhựa/năm, trong đó 79% nằm vất vưởng ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên, 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Ô nhiễm nhựa trở thành một trong những vấn đề môi trường nhức nhối nhất thế giới, đe dọa môi trường sống và sinh kế của chính con người.

Khu vực APEC không phải “trường hợp đặc biệt” có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng rác thải. Các nhà lãnh đạo khu vực đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ mối quan ngại, nhấn mạnh, giải pháp không nằm trong phạm vi ranh giới một quốc gia hay nền kinh tế nào, mà đòi hỏi phải có hành động tập thể và ngay lập tức, từ tất cả chúng ta.

Theo đó, nền KTTH được đề xuất như một giải pháp khả thi, thay thế nền kinh tế tuyến tính quen thuộc - vốn thải bỏ vật liệu sau một lần sử dụng, bằng cách khuyến khích sử dụng tài nguyên bền vững và hiệu quả, với lượng chất thải gần như bằng không và tái tạo các hệ thống tự nhiên.

Tại sự kiện mới nhất về KTTH do Ban thư ký APEC phối hợp tổ chức (24/10) – Hội thảo quốc tế về “Phát triển KTTH trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC”, các chuyên gia một lần nữa khẳng định, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là thiết yếu đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới.

Để rác không phải là rác

Từ kinh nghiệm của một số nền kinh tế APEC như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy, việc áp dụng KTTH không chỉ mang lại lợi ích môi trường, mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế mới, cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng cường sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do đó, KTTH với trọng tâm là việc tái sử dụng, tái chế và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, mang lại cơ hội không chỉ để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong các ngành công nghiệp. Mô hình này giúp giảm thiểu áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và tạo ra giá trị kinh tế bền vững, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Philippines có nhiều bước tiến quan trọng thúc đẩy KTTH, đặc biệt là thông qua các chính sách và sáng kiến về quản lý chất thải và năng lượng tái tạo. Đạo luật Quản lý chất thải rắn được ban hành nhằm tăng cường hiệu quả quản lý chất thải thông qua phân loại tại nguồn, tái chế và xử lý một cách bền vững. Đạo luật yêu cầu tất cả các thành phố và đô thị phải có kế hoạch quản lý chất thải rắn, bao gồm việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của cả doanh nghiệp và người dân vào quá trình tái chế.

Tương tự, một trong những dự án nổi bật của Malaysia là “Nhà máy Xanh” - nơi các doanh nghiệp được khuyến khích tái sử dụng và tái chế nguyên vật liệu, cải thiện thiết kế sản phẩm kéo dài tuổi thọ và giảm thiểu lượng chất thải. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia vào dự án này, cung cấp các khoản vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo giúp họ áp dụng các quy trình sản xuất bền vững.

Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc thành lập hơn 5.095 nhà máy xanh, 371 công viên công nghiệp xanh và 605 doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng xanh, với gần 35.000 sản phẩm xanh. Một trong những sáng kiến quan trọng là phát triển và áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng vật liệu, đặc biệt trong ngành công nghiệp pin. Bắc Kinh giới thiệu một hệ thống chính sách tái chế pin toàn diện, theo dõi và quản lý từ giai đoạn sản xuất đến tái sử dụng và xử lý cuối cùng, thiết lập một hệ thống tái chế pin hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường và tăng cường sự bền vững của ngành công nghiệp.

Nỗ lực điển hình của Thái Lan trong phát triển kinh tuần hoàn là thiết lập các nhà máy xanh và công viên công nghiệp xanh. Từ 1995-2024, Thái Lan xây dựng hơn 6.000 nhà máy xanh cấp tỉnh và thành phố, cùng với gần 300 công viên công nghiệp xanh. Chính phủ Thái Lan thiết lập hơn 35.000 sản phẩm xanh, chú trọng đến việc phát triển chuỗi cung ứng xanh và thiết kế sinh thái, giúp giảm thiểu tác động môi trường và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Những kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, việc xây dựng nền KTTH yêu cầu một khung chính sách toàn diện và cam kết mạnh mẽ từ cả khu vực công và tư. Các chính sách hỗ trợ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và việc phát triển các công nghệ tiên tiến là yếu tố then chốt để đạt được thành công.

Thực tế cho thấy, KTTH ngày càng khẳng định là hướng đi chiến lược trong mỗi nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề cấp bách.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.