Thứ Năm, 14/11/2024, 12:45 (GMT+7)
.

Thấy gì từ những lựa chọn ứng viên nội các của ông Donald Trump?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đang nỗ lực lấp đầy nội các tương lai, đề cử một số nhân vật nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào chính quyền, những người có khả năng sẽ tiếp tục làm mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong thời gian tới.

Ông Trump ngày 12/11 (giờ địa phương) đã đề cử cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe làm người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), người dẫn chương trình FOX News và cựu chiến binh Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng, và nghị sĩ Florida Michael Waltz làm Cố vấn an ninh quốc gia. Trước đó một ngày, Tổng thống đắc cử đã đề cử Hạ nghị sĩ từ New York Elise Stefanik làm Đại sứ Liên hợp quốc (LHQ). Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio có khả năng được chọn làm Ngoại trưởng. Cả 5 người này đều được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh.

b

Những lựa chọn cho nội các tương lai của ông Trump đang gây bất ngờ. Ảnh minh họa Getty Images

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cái tên đáng chú ý khác cũng đang được cân nhắc như cựu Đại sứ tại Đức Richard Grenell, Thượng nghị sĩ Tennessee Bill Hagerty và cựu đại diện Thương mại Robert Lighthizer. Tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin cho biết, Tổng thống đắc cử Trump có kế hoạch bổ nhiệm ông Lighthizer vào vị trí tương tự trong chính quyền mới. Ông này từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nổi bật là việc áp thuế cao đối với hàng hóa trị giá 380 tỷ USD của Trung Quốc. Nếu tiếp tục được chọn, ông Lighthizer có thể đóng vai trò này một lần nữa trong trường hợp ông Trump chọn thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là áp thuế 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế 10-20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác. Trong một cuốn sách của mình, ông Lighthizer đã kêu gọi tách biệt hơn nữa khỏi Trung Quốc bằng cách hạn chế thương mại, bao gồm cả xuất khẩu công nghệ quan trọng.

Nếu được xác nhận là Ngoại trưởng Mỹ, ông Rubio sẽ là Ngoại trưởng đương nhiệm đầu tiên bị Bắc Kinh trừng phạt. Là Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Rubio được biết đến là người chỉ trích gay gắt đối với Trung Quốc. Ông đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc vào năm 2020 và được đưa vào danh sách 11 quan chức Mỹ bị trừng phạt để trả đũa các lệnh trừng phạt của Washington.

Trong khi đó, với tư cách là người đứng đầu CIA, ông Ratcliffe có khả năng sẽ ưu tiên mối đe dọa an ninh được cho là do Trung Quốc gây ra, theo các nhà phân tích. Trong một bài xã luận năm 2020 cho tờ Wall Street Journal, ông Ratcliffe mô tả quốc gia này là "mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay". Trong khi Liên Xô và chống khủng bố từng là những vấn đề trụ cột của các cơ quan tình báo Mỹ trong quá khứ, ông Ratcliffe cho rằng hoàn cảnh hiện tại "cho thấy rõ rằng Trung Quốc nên là trọng tâm an ninh quốc gia chính của Mỹ trong tương lai".

Đáng chú ý, người dẫn chương trình Hegseth, được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng, đã bày tỏ quan điểm tương tự về quy mô mối đe dọa từ Trung Quốc. Không chỉ được coi là một lựa chọn khác thường vì ông không phải là tướng đã nghỉ hưu cũng không phải là cựu quan chức chính phủ có kinh nghiệm an ninh quốc gia cấp cao, ông Hegseth đã đưa ra lập trường cứng rắn về Trung Quốc trong các lần xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Trong khi đó, ông Waltz, một lính Mũ nồi xanh đã nghỉ hưu từng phục vụ ở Afghanistan và châu Phi, đã gọi Trung Quốc là "mối đe dọa hiện hữu".

Ông Trump mô tả ông Waltz là "một chuyên gia về các mối đe dọa do Trung Quốc, Nga, Iran và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu gây ra". Trong cuốn sách "Hard Truths: Think and Lead Like a Green Beret" (Sự thật khó khăn: Nghĩ và lãnh đạo như một lính Mũ nồi xanh), ông Waltz lập luận rằng Mỹ cần cải thiện khả năng chuẩn bị quân sự cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Bắc Kinh.

Benjamin A Engel, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dankook ở Hàn Quốc, cho rằng những lựa chọn của ông Trump sẽ là "tin đáng hoan nghênh" đối với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, "nhưng không hấp dẫn đối với nhiều quốc gia ở châu Á, những quốc gia không muốn đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa hai cường quốc".

Các mức thuế mà ông Trump đề xuất không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn lan rộng khắp châu Á do khu vực này có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London ước tính rằng các mức thuế mà ông Trump đề xuất sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 0,68%, trong khi các nền kinh tế châu Á khác như Ấn Độ và Indonesia phải đối mặt với mức giảm nhỏ hơn lần lượt là 0,03% và 0,06%.

Cũng trong ngày 12/11, ông Trump đã đề cử Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy làm người đứng đầu một cơ quan mới có tên "Bộ Hiệu quả Chính phủ". Không giống như những nhân vật khác trong nội các của ông Trump, tỷ phú Elon Musk, người có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc, được biết đến với quan điểm tương đối tích cực về Trung Quốc. Do đó, ông có thể phản đối việc Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc hơn nữa.

Một số đồng minh châu Á của Washington có thể không hài lòng về việc ông Trump chọn bà Stefanik làm đại sứ LHQ, theo Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore. Theo đó, mặc dù bà Stefanik phù hợp với hệ tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" nhưng bà có thể gây ra sự bất đồng với các đồng minh của Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ LHQ. Ông cũng cảnh báo rằng những lựa chọn của ông Trump có thể không kéo dài trong suốt nhiệm kỳ, như những gì từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.