.

Ukraine lần đầu tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS của Mỹ

Cập nhật: 15:17, 20/11/2024 (GMT+7)

Trong đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Nga hôm 19/11, Ukraine được cho là đã sử dụng 6 tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 1000.

Reuters dẫn nguồn tin Ukraine cho biết, nước này đã tấn công một kho vũ khí của Nga tại Karachev thuộc vùng Bryansk, cách Nga khoảng 110 km, gây ra các vụ nổ thứ cấp.

Quân đội Ukraine không nêu rõ các loại vũ khí được sử dụng, nhưng một nguồn tin chính phủ Ukraine và một quan chức Mỹ xác nhận đó chính là tên lửa ATACMS.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố xác nhận, vào lúc 3h25 sáng 19/11 (giờ địa phương), quân đội Ukraine đã tấn công tỉnh miền Tây Bryansk của nước này bằng 6 tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ sản xuất.

b

Moscow cho biết các cuộc tấn công sử dụng tên lửa ATACMS của Ukraine nhằm vào các cơ sở ở Bryansk. Ảnh: AEI

Các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của Nga đã bắn hạ 5 trong số 6 tên lửa nhắm vào một cơ sở quân sự ở Bryansk. Các mảnh vỡ tên lửa rơi trúng cơ sở này đã gây ra đám cháy, song đã được dập tắt nhanh chóng và không gây ra thương vong hay thiệt hại nào, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Trước đó, New York Times dẫn nguồn tin tình báo tiết lộ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng các hạn chế liên quan, theo đó chấp thuận cho Ukraine sử dụng ATACMS - tên lửa tầm xa nhất mà Washington cung cấp - cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

b

Tên lửa ATACMS được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: US Army

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một tuyên bố nhận định rằng, việc sử dụng tên lửa ATACMS là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.

Moscow cũng tuyên bố những vũ khí như vậy không thể được sử dụng nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, và việc sử dụng chúng sẽ biến Washington thành bên tham chiến trực tiếp, buộc Nga phải trả đũa.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, việc sử dụng tên lửa của Mỹ có thể giúp Ukraine bảo vệ một phần lãnh thổ ở khu vực Kursk như một "con bài mặc cả", nhưng có thể sẽ không có tác động quyết định đến cuộc chiến đã kéo dài 33 tháng này.

Cũng trong ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân với các điều khoản sửa đổi mới. Học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này được thiết kế để chống lại.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.