Thứ Bảy, 11/09/2021, 18:13 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thách thức chưa thể khép lại

Kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm, Ukraine vẫn thể hiện mong muốn gia nhập NATO... là những tin tức quốc tế được bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

1. Kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11-9

Vào năm 2001, nước Mỹ rung chuyển vì loạt tấn công khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử đất nước. Đến nay, 20 năm đã qua nhưng dư chấn của sự kiện ngày 11-9 ấy vẫn còn in đậm trong người dân Mỹ cũng như toàn thế giới.

Thảm kịch ngày 11-9-2001 tại Mỹ vẫn còn gây tác động kéo dài. Ảnh: The Atlantic
Thảm kịch ngày 11-9-2001 tại Mỹ vẫn còn gây tác động kéo dài. Ảnh: The Atlantic

Suốt 2 thập kỷ qua, cả thế giới vẫn luôn ghi nhớ sự kiện chấn động được ví như trận Trân Châu Cảng. Với nhiều người Mỹ, sự kiện 11-9 dường như sẽ tồn tại mãi mãi. Theo cuộc khảo sát của Fox News, 64% người Mỹ được hỏi tin rằng các cuộc tấn công đã thay đổi cách sống của người dân “vĩnh viễn”, với 24% số khác cho rằng những thay đổi chỉ là “tạm thời”.

Bước ngoặt đáng kể nhất chính là việc Mỹ quyết định phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, với việc đưa quân vào Afghanistan, nơi ẩn náu của đối tượng chủ mưu vụ tấn công Osama bin Laden - thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda. Và cách đây chưa đầy 2 tuần, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul, kết thúc cái gọi là “cuộc chiến vô tận” tại Afghanistan.

Mặc dù vậy, với nước Mỹ trong năm 2021, mối quan tâm cấp bách hơn lại đến từ các mối đe dọa trong nước có thể đến từ những người hiện sống ở Mỹ, vốn đã bị kích động bởi những tư tưởng cực đoan của al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố khác. Ngay trong dịp lễ tưởng niệm 20 năm sự kiện 11-9, chính quyền Washington đang phải thắt chặt các biện pháp an ninh sau khi có các cảnh báo về nguy cơ khủng bố mới có thể xảy ra.

Nước Mỹ đang nỗ lực vượt lên tất cả khó khăn và đau thương của vụ khủng bố ngày 11-9-2001 để “xây dựng lại hy vọng”, khi mà cuộc chiến chống khủng bố nói riêng hay cuộc chiến với những thách thức lớn như đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.

2. Mỹ - Trung nhất trí duy trì tiếp xúc thường xuyên

Trong cuộc điện đàm ngày 9-9 theo giờ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí duy trì tiếp xúc thường xuyên và đề nghị các nhóm làm việc tăng cường liên lạc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 4-12-2013. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 4-12-2013. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng ra thông báo nêu rằng hai nhà lãnh đạo có cuộc thảo luận chiến lược, rộng rãi, liên quan đến các lĩnh vực mà lợi ích cùng hội tụ và các lĩnh vực có sự khác biệt về lợi ích, giá trị và quan điểm.

Theo thông tin từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu, dịch Covid-19... Hai bên đã thảo luận trách nhiệm của hai nước trong việc bảo đảm cạnh tranh không biến thành xung đột.

Trong khi đó, Tân Hoa xã nhấn mạnh Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, sâu rộng về quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần phải đưa quan hệ hai nước quay trở lại đúng hướng phát triển ổn định càng sớm càng tốt vì lợi ích của nhân hai nước cũng như của toàn thế giới.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của lãnh đạo hai nước từ tháng 2, không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Các nỗ lực đối thoại cấp thấp hơn giữa hai nước được đánh giá là diễn ra không suôn sẻ, đặc biệt là cuộc họp nảy lửa giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Alaska hồi tháng 3 vừa qua.

3. Tổng thống Ukraine đề cập về triển vọng gia nhập NATO

Ngày 10-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này sẵn sàng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tin rằng liên minh này cũng cần Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Kyiv Post
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Kyiv Post

“Quan điểm của tôi rất đơn giản: Chúng tôi sẵn sàng gia nhập NATO. Những cải cách mà chúng tôi đang thực hiện trước hết cần thiết cho bản thân và nhân dân của chúng tôi, chứ không phải NATO, Liên minh châu Âu (EU) hay ai khác. Dường như NATO cần chúng tôi, dường như NATO sẽ không thể lớn mạnh nếu không có Ukraine”, ông Zelensky nói.

Bên cạnh đó, Tổng thống Zelenskiy cũng cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga là điều có thể xảy ra và ông muốn có một cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ông, mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ đã trở nên tốt đẹp hơn song Kiev vẫn chưa nhìn thấy quan điểm rõ ràng của Washington về khả năng Kiev trở thành thành viên của NATO.

Theo hãng tin TASS, nhà chức trách Ukraine nhiều lần khẳng định một cách vô căn cứ rằng có mối đe dọa không xác định từ Nga dường như đang tồn tại. Về phần mình, Moscow nhấn mạnh không có bất kỳ ý định sử dụng vũ lực nào.

4. Taliban công bố nội các lâm thời Afghanistan

Ngày 7-9, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid đã công bố thành phần nội các trong chính phủ lâm thời tại Afghanistan.

Thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar đảm nhiệm vị trí Phó thủ tướng Afghanistan trong chính phủ mới của Taliban. Ảnh: Reuters
Thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar đảm nhiệm vị trí Phó thủ tướng Afghanistan trong chính phủ mới của Taliban. Ảnh: Reuters

Thành phần nội các mới đều là các gương mặt kỳ cựu, từng nhiều năm chiến đấu trong hàng ngũ Taliban, trong đó ông Hassan Akhund được bổ nhiệm là Thủ tướng, ông Mujahid Abdul Ghani Baradar là Phó thủ tướng.

Như vậy, trái với các tuyên bố ban đầu về việc xây dựng một chính phủ rộng rãi, đa thành phần, nội các mới của Afghanistan không xuất hiện bất cứ nhân tố ngoài Taliban nào. Đây là một chỉ dấu cho thấy lực lượng Hồi giáo vũ trang này không chấp nhận các áp lực trong nước và quốc tế đòi phải thành lập một chế độ đa thành phần và bao trùm.

Trước đó, Taliban tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, Taliban lại khẳng định sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel, dù muốn thiết lập quan hệ với các nước trong khu vực và duy trì đối thoại với các nước láng giềng.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng cho rằng thế giới phải “đối thoại” với Taliban để tránh “cái chết của hàng triệu người”. Tuyên bố này có thể ám chỉ khả năng công nhận chính phủ của Taliban.

5. Các nước dần học cách sống chung an toàn với dịch bệnh

Dịch Covid-19 sẽ không thể biến mất trong tương lai gần, do đó chính phủ đã khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái sống chung với sự có mặt của virus.

Các nước thúc đẩy việc tiêm chủng. Ảnh: FiercePharma
Các nước thúc đẩy việc tiêm chủng. Ảnh: FiercePharma

Theo đó, ngày 10-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với Covid-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa. Việc thực hiện nghiêm các quy định y tế phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng là “chìa khóa” để kiểm soát căn bệnh này.

Cùng ngày, giới chức Malaysia đã quyết định chuyển thêm một bang và hai vùng lãnh thổ liên bang sang giai đoạn hai của Kế hoạch phục hồi quốc gia. Đây là một trong những tiêu chí nhằm giảm bớt hạn chế đối với quy định giãn cách xã hội cho những cá nhân đã hoàn thành tiêm chủng sống tại khu vực này.

Số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm, từ mức đỉnh gần 26.000 ca vào ngày 20-8 xuống còn hơn 10.300 ca vào ngày 10-9. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số ca mắc mới ở Nhật Bản giảm, giúp nước này hướng đến việc chung sống an toàn với đại dịch.

Trước đó, Anh cũng chấm dứt mọi biện pháp chống dịch và giãn cách xã hội từ tháng 7. Đức cho phép người đã tiêm chủng đủ được thoải mái sinh hoạt và di chuyển mà không cần cách ly. Italy bỏ yêu cầu mang khẩu trang ngoài trời. Các trung tâm thương mại ở Singapore được phép hoạt động trở lại, còn Israel lên kế hoạch đón khách du lịch theo các nhóm nhỏ lẻ bắt đầu từ tháng 9.

Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng bày tỏ hoài nghi về khả năng các loại vaccine có thể kết thúc đại dịch Covid-19, vì những biến chủng mới làm mờ hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng.

6. Thế giới cần chung tay bảo đảm an ninh mạng

Diễn đàn An ninh mạng quốc tế (FIC) 2021 vừa diễn ra tại thành phố Lille (Pháp) tập trung vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác và phối hợp bảo đảm an ninh mạng nhằm tránh những nguy cơ tấn công mạng ảnh hưởng lan rộng trên thế giới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình số hóa và kết nối trực tuyến toàn cầu.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Nguồn: CNN
Ảnh minh họa. Nguồn: Nguồn: CNN

Sự kiện FIC 2021 nhấn mạnh thông điệp rằng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và liên kết chặt chẽ, tính an toàn của toàn bộ hệ thống được đo bằng sự bảo đảm của mắt xích yếu nhất.

Thực tế đã chỉ ra vấn nạn tấn công mạng đang gia tăng và có thể lan nhanh khắp toàn cầu. Theo số liệu của công ty an ninh mạng BlackFog, từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức, doanh nghiệp Mỹ hứng chịu 52 cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền, cao hơn gấp 3 lần so với quốc gia đứng thứ hai là Anh (16 cuộc), tiếp theo là Pháp (7), Canada (7), Australia (4), Hà Lan (4) và Ấn Độ (3).

(Theo qdnd.vn)

.
.
.