.

4 lưu ý khi phỏng vấn vị trí phiên dịch tiếng Nhật

Cập nhật: 08:53, 22/12/2023 (GMT+7)

Tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ được đánh giá phức tạp và khó học nhất trên thế giới nên nghề phiên dịch tiếng Nhật tương đối có “giá” và mang lại thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, nếu muốn thành công với nghề này không chỉ cần giỏi tiếng Nhật là đủ, bạn cần nhiều yếu tố để có thể thuyết phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

Dưới đây là 4 điều cần chú ý khi phỏng vấn tuyển dụng tiếng Nhật, bạn tham khảo nhé.

 

Có hiểu biết cơ bản về văn hóa Nhật

Với 3 bảng chữ cái đồ sộ, ngôn ngữ đa nghĩa, phức tạp, cộng thêm văn hóa Nhật có nhiều quy định đặc thù, nếu không thông thạo sẽ là rào cản để bạn hiểu và phiên dịch đúng ý người Nhật. Tiêu biểu là họ thường xuyên sử dụng kính ngữ trong giao tiếp. Kính ngữ của người Nhật lại có sự khác nhau giữa người nam với nữ, người ít tuổi với người nhiều tuổi, thậm chí cùng tuổi nhưng vị trí công việc, địa vị xã hội khác nhau thì kính ngữ cũng khác nhau.

Nếu không hiểu văn hóa và những quy tắc này của người Nhật, bạn rất dễ phiên dịch sai, không sát nghĩa, không đủ nội dung. Đây là điều tối kỵ đối với một phiên dịch viên tiếng Nhật chuyên nghiệp.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Nhật còn tổ chức thi văn hóa đầu vào hoặc bài kiểm tra văn hóa Nhật trong kỳ tuyển dụng phiên dịch. Qua đó cho thấy, hiểu biết về văn hóa, con người Nhật Bản là một yếu tố mà các nhà phỏng vấn rất coi trọng.

Hiểu điều này, trong buổi phỏng vấn, dù nhà tuyển dụng không đặt câu hỏi về văn hóa Nhật thì bạn nên lồng ghép khéo léo thể hiện kiến thức ở lĩnh vực này. Tất nhiên kiến thức về văn hóa, con người Nhật Bản rất rộng lớn nên bạn cần tìm hiểu và tích lũy trong thời gian dài trước đó.

 

Nắm rõ quy tắc phiên dịch và kiến thức lĩnh vực ứng tuyển

Ngôn ngữ Nhật khá đa nghĩa, một câu nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, một từ giống nhau nhưng mang nghĩa khác nhau. Điều này đòi hỏi bạn cần nắm rõ quy tắc dịch thuật tiếng Nhật. Theo đó, một trong những quy tắc là không nên dịch tiếng Nhật theo từ mà phải dựa vào cụm từ, câu và tình huống, ngữ cảnh cụ thể. Khi đó bạn mới biểu đạt đúng tình huống, đúng ý đồ của người nói.

Ngoài kiến thức chung nền tảng, khi phiên dịch cho lĩnh vực nào, bạn cần kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đó. Nếu không bạn rất dễ phiên dịch sai, gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu là phiên dịch viên kinh tế, bạn cần có kiến thức về kinh tế. Nếu là phiên dịch lĩnh vực văn hóa giải trí, bạn cần kiến thức vững về lĩnh vực văn hóa, giải trí…

Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra thử thách để kiểm tra năng lực này. Bạn cần lưu ý để chuẩn bị chu đáo, qua đó chứng tỏ là ứng viên vừa nắm vững quy tắc dịch thuật vừa có kiến thức sâu rộng ở lĩnh vực ứng tuyển.

Chú trọng thể hiện kỹ năng quan trọng

Nhà tuyển dụng Nhật đặc biệt chú trọng tới kỹ năng lắng nghe và diễn đạt của phiên dịch viên trong buổi phỏng vấn. Lắng nghe tốt giúp bạn hiểu rõ, đầy đủ và đúng ý đồ của người cần phiên dịch. Diễn đạt đúng ý, rõ ràng sẽ truyền tải được thông điệp của người cần phiên dịch. Ngoài ra, sự tỉ mỉ, cẩn trọng là yếu tố nhà tuyển dụng tìm kiếm ở vị trí phiên dịch tiếng Nhật. Đây đều là kỹ năng quyết định tới sự thành công của một phiên dịch viên tiếng Nhật và là phẩm chất doanh nghiệp Nhật đề cao. Các phẩm chất này đều được bộc lộ ngay trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng. Vì thế bạn hãy khéo léo thể hiện nổi bật chúng để tạo niềm tin với họ.

 

Chú ý trang phục, ngôn ngữ hình thể

Phiên dịch tiếng Nhật đôi khi là đại diện hình ảnh cho cả công ty. Do đó, các nhà tuyển dụng Nhật rất chú ý tới cách ăn mặc, phong thái của ứng viên trong buổi phỏng vấn.

Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp ngay trong cách lựa chọn trang phục. Khi đi phỏng vấn, nếu là nam, bạn nên chọn mặc vest, áo sơ mi kết hợp quần âu, đầu tóc gọn gàng. Nếu là nữ, bạn không nên đeo nhiều trang sức, đi giày quá cao, váy quá ngắn hoặc nhuộm tóc lòe loẹt. Bạn nên trang điểm nhẹ nhàng, ăn mặc lịch sự gồm sơ mi, quần âu hoặc áo vest cùng chân váy bút chì thanh lịch.

Bạn cũng lưu ý, người Nhật không thích tranh cãi, không thích giao tiếp với người có năng lượng xấu, tiêu cực. Vì thế, bạn đừng tỏ ra rụt rè, thiếu tự tin nhưng cũng không nên liên tục nhìn trực diện vào mắt nhà tuyển dụng theo kiểu nghi ngờ, dò xét. Hãy luôn ngồi thẳng lưng, chú tâm, duy trì nguồn năng lượng tích cực và nụ cười trong suốt buổi phỏng vấn.

Trên đây là 4 điều bạn nên lưu ý thêm để có buổi phỏng vấn vị trí phiên dịch tiếng Nhật thành công. Tất nhiên để thực hiện tốt 4 lưu ý này, đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị chu đáo, sự tích lũy kiến thức, kỹ năng từ thời gian dài trước đó. Vậy nên, nếu mục tiêu trở thành phiên dịch tiếng Nhật xuất sắc thì hãy tích cực trau dồi, rèn luyện ngay từ bây giờ bạn nhé.

.
.
.