Thứ Ba, 03/12/2024, 09:06 (GMT+7)
.

Mẹo trả lời câu hỏi phỏng vấn: "Bạn có chấp nhận mức lương thấp hơn?"

“Nếu lương ở đây thấp hơn công ty cũ, bạn có chấp nhận không?” – một câu hỏi phỏng vấn đơn giản nhưng đủ sức khiến nhiều ứng viên chững lại vài giây. Đây không chỉ là phép thử về tài chính mà còn là bài kiểm tra về thái độ và định hướng của bạn trong công việc. Câu trả lời bạn đưa ra không chỉ phản ánh suy nghĩ mà còn thể hiện giá trị thực sự của bạn. 
 
Lương quan trọng, nhưng đó có phải là tất cả? Nếu bạn thực sự muốn tìm việc ở TP. Hồ Chí Minh hay bất cứ nơi nào khác và có thể bỏ qua yếu tố mức lương, hãy tham khảo một số mẹo sau để vừa thể hiện sự chân thành, vừa cho thấy sự thông minh và bản lĩnh của bạn.
Nhấn mạnh giá trị tổng thể của công việc
 
Hãy thành thật với bản thân, mức lương quan trọng thật đấy, nhưng nó không phải tất cả. Giá trị tổng thể của công việc - bao gồm cơ hội phát triển, môi trường làm việc và sự phù hợp với các giá trị cá nhân mới là điều cốt lõi. Nếu lương cao nhưng mỗi ngày đi làm đều cảm thấy như đi đánh trận, hoặc đồng nghiệp khiến bạn stress hơn cả deadline thì con số ấy cũng chẳng đủ sức “cứu rỗi” tâm hồn của bạn.
 
Nếu bạn là một người coi trọng giá trị tổng thể hơn mức lương, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn không chỉ quan tâm đến tiền mà còn chú ý đến các yếu tố khác. Điều này vừa thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn, vừa giúp bạn ghi điểm bởi sự trưởng thành trong suy nghĩ và khả năng cân nhắc thấu đáo về tương lai, vừa khéo léo gợi ý nhà tuyển dụng rằng công ty của họ cần có sự toàn diện nhất định để có thể giữ chân bạn.
 
"Với em, ngoài mức lương, em còn quan tâm đến những yếu tố như cơ hội phát triển bản thân, môi trường làm việc và giá trị mà công ty mang lại. Nếu những yếu tố này đáp ứng được mong đợi của em, em sẵn sàng cân nhắc mức lương thấp hơn. Nói cách khác, em chọn công việc vì cả hành trình, không phải chỉ vì đích đến là tiền lương."
Tập trung vào tầm nhìn dài hạn
 
Bạn đã bao giờ nghe câu: "Tiền bạc là phù du nhưng kiến thức là vĩnh cửu"? Đôi khi, một mức lương thấp hơn so với kỳ vọng không phải sự đánh đổi mà là một khoản đầu tư. 
 
Khi được hỏi câu này, bạn có thể nhấn mạnh bản thân không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn cân nhắc đến tương lai. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng, bạn xem công việc này là một khoản đầu tư và bạn sẵn sàng hy sinh lợi ích ngắn hạn để đạt được mục tiêu dài hạn. Nếu mức lương thấp hơn ở hiện tại có thể trở thành tấm vé để bạn bước vào tương lai tốt đẹp hơn thì sự “hi sinh” này hoàn toàn xứng đáng.
 
"Thật ra, em coi công việc này như một khoản đầu tư cho tương lai. Nếu công ty có thể mang lại cơ hội phát triển và thăng tiến cho bản thân, em sẵn sàng cân nhắc mức lương thấp hơn kỳ vọng một chút. Như người ta vẫn nói, phải trồng cây thì mới có bóng mát. Em tin rằng ở đây, em có thể gieo xuống hạt giống chất lượng nhất cho sự nghiệp của mình."
 
Khéo léo chuyển hướng câu hỏi
 
Có những câu hỏi phỏng vấn thật khó để trả lời một cách thẳng thắn và “Nếu lương ở đây thấp hơn công ty cũ, bạn có chấp nhận không” chính là một ví dụ điển hình. Thay vì nói thẳng "CÓ" hoặc "KHÔNG", bạn có thể dẫn dắt nhà tuyển dụng đến một cuộc thảo luận cởi mở về những yếu tố khác như: Cơ hội học hỏi, môi trường làm việc hay đội nhóm mà bạn sẽ tham gia. Cách làm này không chỉ giúp bạn chuyển hướng sự chú ý một cách khéo léo mà còn giúp bạn mở rộng chủ đề trò chuyện để hiểu hơn về công ty và vị trí ứng tuyển.
 
"Em thực sự hứng thú với vị trí này vì nhận thấy nó phù hợp với định hướng lâu dài của mình. Lương là một yếu tố rất quan trọng, nhưng em tin rằng sự phù hợp với văn hóa công ty, cơ hội phát triển và những giá trị mà công ty mang lại cũng quan trọng không kém. Em rất mong được tìm hiểu thêm về những giá trị này để có thể cân nhắc một cách toàn diện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng."
Chia sẻ về trải nghiệm thực tế
 
Câu trả lời của bạn sẽ chân thực và ấn tượng hơn nếu bạn chia sẻ một câu chuyện từ chính trải nghiệm cá nhân, về những giá trị bạn từng đặt lên hàng đầu và sự thay đổi cách nhìn nhận của bạn ở thời điểm hiện tại. Hãy chia sẻ câu chuyện của bản thân với thái độ chân thành, kèm theo một chút dí dỏm, bạn sẽ có một đáp án nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc.
 
"Trước đây, em từng làm việc ở một công ty với mức lương cao nhưng không có cơ hội phát triển. Sau một thời gian, em nhận ra rằng dù tiền lương quan trọng nhưng nếu công việc không giúp mình trưởng thành thì cũng khó lòng gắn bó lâu dài. Lần này, em muốn tìm một nơi mà em có thể học hỏi, thử thách bản thân và tạo nên những giá trị khác biệt. Nếu ở đây có thể giúp em đạt được những điều đó, em sẵn sàng cân nhắc mức lương thấp hơn một chút. Tiền trước sau cũng sẽ cạn, nhưng kỹ năng và trải nghiệm thì mãi mãi theo mình, đúng không ạ?"
 
Một số lưu ý quan trọng
 
Thể hiện sự cân nhắc, không dễ dãi: Dù bạn sẵn sàng cân nhắc mức lương thấp hơn nhưng đừng để nhà tuyển dụng cảm thấy bạn dễ dàng chấp nhận bất cứ mức lương nào. Hãy nhấn mạnh rằng, bạn đánh giá yếu tố quan trọng nhất dựa trên giá trị tổng thể của công việc, tuyệt đối không phải một người "dễ dãi".
 
Giữ thái độ tích cực và tự tin: Hãy trả lời với thái độ tích cực, xuất phát từ sự tin tưởng vào giá trị bản thân và thể hiện rằng bạn đang tìm kiếm cơ hội phát triển, không phải chấp nhận một công việc vì không có lựa chọn khác.
 
Đừng dối lòng "lương không quan trọng": Lương luôn là yếu tố quan trọng, chỉ là bạn xếp nó ở vị trí ưu tiên số mấy mà thôi. Đừng vì tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mà tự “lừa mình, dối người”.
 
Câu hỏi phỏng vấn "Nếu lương ở đây thấp hơn công ty cũ, bạn có chấp nhận không?" thực chất không chỉ bàn về vấn đề tiền bạc mà còn là bài kiểm tra về thái độ, định hướng và giá trị của ứng viên. Hãy là chính mình thay vì cố tình đi ngược lại với con người và quan điểm của bạn. Một câu trả lời tốt không phải câu trả lời hoa mỹ nhưng sáo rỗng mà là câu trả lời khiến nhà tuyển dụng nhận định: "Đây là người mà chúng ta cần".
TRANG ĐOÀN
.
.
.