Câu chuyện về quan liêu
Trong bộ ba tên giặc nội xâm, quan liêu cũng là kẻ thù nguy hiểm, nhưng so với hai tên kia nó bị vạch trần và lên án có phần ít hơn. Có lẽ vì nó không trực tiếp gây ra tội lỗi, tuy có nguyên nhân do nó không sát người sát việc, thiếu kiểm tra giám sát để người khác gây ra. Thường người trực tiếp gây ra bị kết tội nặng hơn.
Hai chữ “quan liêu”, nghĩa gốc theo các từ điển thì nó có nghĩa cũng như quan lại, là một danh từ chỉ những người làm quan trong thời phong kiến; nhưng có một số từ điển ghi thêm nghĩa tính từ: xa rời quần chúng, không sát thực tế, nặng về mệnh lệnh, giấy tờ.
Theo Bác Hồ, quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng... Thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững.
Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí... Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang mặc diện, chẳng những không lo phụng sự nhân dân mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”...
Bệnh quan liêu là nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh, tệ nạn khác nhau, trong đó có nạn tham ô, lãng phí. Do đó, theo Bác, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu (1).
Về giải pháp chống bệnh quan liêu, Bác có một nguyên tắc là "Theo đường lối nhân dân" và 6 điều là:
- Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân.
- Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ.
- Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình.
- Sẵn sàng học hỏi nhân dân.
- Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo.
6 điều thật dễ hiểu và cũng dễ làm nếu có tấm lòng trong sáng vì nước, vì dân. Đến nay, 6 điều căn dặn của Bác vẫn mang tính thời sự, vì “có một bộ phận không nhỏ” chưa làm tốt, thậm chí còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân” (2).
Trong các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các giải pháp sau đây trực tiếp tẩy trừ bệnh quan liêu, đồng thời cũng để thực hiện các giải pháp của Bác Hồ nêu ra:
Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; trong năm 2012 ban hành Quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và chính quyền các cấp;
Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Nghị quyết Trung ương 4 ban hành là để tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách của Đảng, đương nhiên cũng nhằm đẩy lùi nhóm giặc nội xâm: tham ô, lãng phí, quan liêu. Cả ba đều là “đặc sản” của quan, nhưng quan liêu là chính bệnh của quan hơn cả. Quan ở vị trí càng cao mà mắc bệnh này thì hậu quả càng nặng nề.
Do đó, Nghị quyết nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt, người đứng đầu các cấp, nhất là cấp cao trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cũng là một biện pháp mạnh mẽ tấn công vào bệnh quan liêu.
TRẦN QUÂN
(1) Trích “Tài liệu học tập chuyên đề Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”, NXB Chính tri Quốc gia – Hà Nội 2008, tr. 18.
(2) Trích Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội 2012, tr. 14.