Thứ Hai, 07/05/2012, 11:28 (GMT+7)
.

Có phải nông dân còn nghèo do thiếu vốn?

Những năm qua, các ngân hàng đã khai thông nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn nghèo ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Có phải do nguyên nhân thiếu vốn sản xuất nên tồn tại tình trạng này? Tại Hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ, các chuyên gia đã chỉ ra điều đó.

Vay von
Nông dân vay vốn tại ngân hàng.

NÔNG DÂN CÒN NGHÈO

Tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống ngân hàng đã cung cấp một khối lượng lớn vốn cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và góp phần thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đổi mới, chúng ta chỉ có mỗi sản phẩm nông nghiệp để thế giới biết đến. Còn các ngành khác, Việt Nam chỉ dừng lại ở vai trò gia công.

Hiện nay, nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới; cà phê, thủy sản cũng giữ vị trí này. “Chúng ta phải tự hào về nền nông nghiệp nước nhà. Đất nước ta ổn định là nhờ vào nền nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thể làm giàu vì hạ tầng nghèo nàn, quy hoạch còn yếu kém.

Chúng ta kêu gọi nông dân tăng gia sản xuất nhưng vướng cảnh “được mùa thì mất giá” do không có hệ thống, cơ chế quản lý, công nghệ chế biến còn hạn chế và tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Đồng quan điểm đó, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho biết, cái nghèo luôn cứ dai dẳng với người nông dân. Người nghèo vì lợi tức thấp, không khả năng tiết kiệm nên không tiền đầu tư sản xuất. Vì thế, sản lượng làm ra rất thấp, thu nhập thấp, không dành dụm được gì nên nghèo. Nhà nước giải quyết tình trạng “không tiền đầu tư” bằng cách cho vay tín dụng. Được tiền đầu tư cho sản xuất nhưng người nghèo vẫn nghèo.

“Hiện nay đã có chương trình xóa nghèo kết hợp tín dụng với khuyến nông: Người dân vừa được chuyển giao kỹ thuật, vừa nhận được tín dụng để mua vật tư nông nghiệp. Nhưng khổ thay, người nông dân sản xuất được nhiều nhưng chẳng biết bán ở đâu, chỉ chờ thương lái đến trả bao nhiêu hay bấy nhiêu” - GS, TS Võ Tòng Xuân nói.

Vay von
Nông dân còn nghèo ngay trên thửa ruộng của mình có phải do thiếu vốn?
                    Trong ảnh là ông Mai Văn Tư (Phú Nhuận, Cai Lậy).

Trước thực tế nông dân vẫn cứ nghèo ngay trên vùng đất giàu tiềm năng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng, ĐBSCL có nhiều thời cơ, thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là có vùng sản xuất, có sản lượng rất lớn không nơi nào khác có được, nhất là vai trò ổn định an ninh lương thực.

Nông nghiệp là yếu tố phát triển bền vững nhất, bởi “không thể lạm phát mà không ăn”. ĐBSCL tiếp cận cơ chế thị trường sớm, có nhiều kinh nghiệm. Nông dân rất cần cù, nếu trong điều kiện bình thường nông dân vay nợ sẽ trả nợ sòng phẳng, trừ dịch bệnh, thiên tai, thất mùa.

Ngược lại, khó khăn ở chỗ, lũ lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh luôn rình rập; ĐBSCL đầy tiềm năng, nhưng hạ tầng không đồng bộ, dân trí thấp, sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao; nông dân cần cù nhưng sự chấp hành, tiếp cận của họ không cao; các thủ tục ngân hàng thì phức tạp nên “nhà băng” ngại cho vay...

GỠ KHÓ CHO NÔNG DÂN

Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Việc cần thiết trước mắt là nâng cấp một số ngân hàng tương xứng với sự phát triển của ĐBSCL. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp vì quyền lợi của người nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ là lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nguồn vốn của các ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ tập trung đủ nhu cầu cho những dự án, chương trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng sẽ rất hạn chế đối với những dự án hoạt động không hiệu quả.

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng các cơ chế, chính sách và dành những khoản vay ưu đãi cho phát triển công nghệ, xây dựng các nhà máy chế biến... để tạo điều kiện cho nông dân ĐBSCL phát triển sản xuất”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói: “Chính sách là rất quan trọng. Bởi chính sách không phù hợp, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, dẫn đến méo mó giá cả hàng hóa thì chính sự méo mó này “đánh” vào người nông dân. Do vậy, phát triển không chỉ là tỷ trọng, giá trị gia tăng mà còn là cách sống, lối sống và cách phát triển.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư –Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, bổ sung: Chính phủ phải có giải pháp chuyển dịch nguồn vốn về ĐBSCL, tăng cường đầu tư cho công nghệ giống, cây trồng và hỗ trợ tìm kiếm thị trường nông sản. Nên có gói hỗ trợ kinh tế nên dành cho nông nghiệp, nông thôn.

Các chuyên gia cho rằng phải ưu tiên vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL; phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thực hiện phát triển nông - thủy sản theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP; đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ cũng cần thiết lập hệ thống thông tin về thị trường, giá cả, dự báo giúp nông dân và doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

GS, TS Võ Tòng Xuân lại nêu vấn đề: “Quan trọng nhất là ngân hàng nên giảm bớt đầu tư cho các dự án manh mún, cục bộ, đơn ngành; trái lại cần ủng hộ các dự án phát triển kinh doanh có sự cộng tác và điều phối đa ngành trong các hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Từ đó mới có thể phát triển nông nghiệp toàn diện, giúp nông dân giàu lên, nông thôn phồn thịnh”.

SĨ NGUYÊN - THẾ ANH
 

.
.
.