"Đàn trời" xua đi tiêu cực?
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) đang chiếu bộ phim Đàn trời vào giờ vàng các tối thứ hai, thứ ba, thứ tư hằng tuần. Trước khi trình chiếu chính thức vào tối 18-4, bộ phim đã được giới thiệu một số cảnh, nội dung nói về chống tiêu cực, chống tham nhũng.
Như vậy rõ ràng đây là phim chính luận, sao mang cái tên có vẻ “tâm linh” như thế? Đến tối thứ tư, 23-5 vừa qua, phim được chiếu đến tập 12 (trong tổng số 36 tập).
Xin tóm tắt chuyện phim đến thời điểm này: Cốt truyện dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, lấy bối cảnh ở tỉnh miền núi Bình Lãng, với nhân vật trung tâm là Đinh Xuân Ẩn, Chủ tịch tỉnh sa ngã, độc đoán, nhúng tay vào vụ rút ruột các công trình giao thông thuộc Chương trình 135 của Chính phủ ở tỉnh.
Một cảnh trong phim Đàn trời. |
Phóng sự điều tra của phóng viên Thức vạch trần sai phạm của doanh nghiệp Lương Nhân, đơn vị trực tiếp nhận thầu thi công vừa phát sóng tập đầu trên Đài PT-TH tỉnh, lập tức đánh động cả đường dây tiêu cực. Nhân danh Chủ tịch tỉnh, ông Ẩn ra lệnh Đài ngưng phát sóng và nộp tất cả tư liệu tìm được cho… doanh nghiệp.
Giám đốc Đài nhu nhược, cầu an và cũng sa ngã trong lối sống, thi hành ngay lệnh của Chủ tịch tỉnh dù sau đó có tỏ ra ấm ức, ra sức thuyết phục người phó của mình ký tên đơn khiếu nại của Đài gửi lên các cơ quan cấp trên, yêu cầu phát sóng tiếp phóng sự điều tra và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim.
Cán bộ, phóng viên của Phòng Thời sự của Đài đã dũng cảm, mưu trí tìm ra sự thật thì ngỡ ngàng, chán ngán về cấp trên của mình.
Doanh nghiệp Lương Nhân ỷ lại vào cái ô của Chủ tịch tỉnh còn ngang nhiên tịch thu máy quay phim và đồ nghề của phóng viên trong khi đang tác nghiệp. Thậm chí chúng còn thuê lưu manh bắn phóng viên Thức, may là anh chỉ bị thương nặng, cứu chữa được.
Do bọn Lương Nhân quá lộng hành, những cán bộ ngay thẳng, chân chính ở UBND tỉnh, tiêu biểu là Phó Chủ tịch thường trực đã tìm hiểu sự việc và quyết tâm vào cuộc. Ngay cả Bí thư Tỉnh ủy vốn muốn yên thân chờ ngày “hạ cánh an toàn” cũng không thể làm ngơ khi được báo cáo vụ việc. Hai tuyến nhân vật đã hình thành rõ ràng, cuộc đấu tranh đang tiếp tục…
Trong phim có nhân vật Xẩm Ky, một ông lão tóc bạc phơ sống bên bờ sông chuyên thổi sáo, bán sáo, không đi đâu mà chuyện gì cũng biết. Đạo diễn Bùi Huy Thuần giải thích rằng, trong Đàn trời, những xung đột giữa các tuyến nhân vật khá gay gắt và căng thẳng.
Để đỡ căng, ông đã xây dựng những nhân vật nửa thực nửa ảo cho không khí phim giãn ra, mềm đi so với những gì cứng nhắc của phim chính luận. Phải chăng, tiếng sáo của ông lão cộng với nhạc của phim là tiếng đàn trời sẽ xua đi những tiêu cực, tham nhũng?
Đạo diễn Bùi Huy Thuần từng làm phim Chủ tịch tỉnh thành công trước đây. Đó là nhân vật chính diện. Phim này, Chủ tịch tỉnh là một vai phản diện.
Tâm sự về sự yêu thích của ông đối với thể tài phim chính luận, ông nói: “Thông qua những phim tôi làm, tôi muốn chuyển tải đến khán giả những vấn đề nóng của xã hội hiện nay. Qua đó tôi mong muốn người dân dám đấu tranh để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.
Dàn diễn viên gạo cội trong phim nổi bật với người đóng vai Chủ tịch tỉnh là NSND Hoàng Dũng, vốn quen với khán giả những vai chính diện. Nhận vai này, ông tâm sự: “Chuyện của ông Chủ tịch Ẩn ở ngoài đời cũng có nhiều nhưng xã hội chưa thể xóa hết. Vì thế, qua phim Đàn trời, chúng tôi mượn tiếng nói của nghệ thuật để hy vọng sẽ góp được tiếng nói chung cho xã hội”.
Chúng ta tiếp tục theo dõi Đàn trời để suy ngẫm, bình phẩm.
TRẦN QUÂN