Thứ Bảy, 19/05/2012, 20:08 (GMT+7)
.

Đạo đức nhân văn bền vững hơn

Tư tưởng của Bác luôn gắn liền giữa pháp trị và đức trị.
Tư tưởng quản lý của Bác luôn gắn liền giữa pháp trị và đức trị.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói:

“Để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 03 ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, cần có nhiều điều kiện, trong đó pháp luật là tối thượng, nhưng đạo đức nhân văn bền vững hơn, pháp trị nhưng còn có đức trị”.

Tư tưởng câu nói trên của Tổng Bí thư cũng là quán triệt tư tưởng của Bác Hồ:

                 Bảy xin Hiến pháp ban hành
          Trăm điều phải có thần linh pháp quyền (1).

Bác rất coi trọng vị trí, vai trò của pháp luật. Xây dựng Nhà nước phải gắn liền với xây dựng pháp luật. Đó phải là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời Bác cũng là tấm gương mẫu mực về chấp hành nghiêm pháp luật.

Câu chuyện Bác dừng xe vài phút trước đèn đỏ là một chuyện nhỏ nhưng rất điển hình. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có ngoại lệ. Những kẻ ngoan cố hại dân hại nước phải bị trừng trị đích đáng. Dù rất đau lòng, thức trắng đêm vì vụ án, Bác đành ký Quyết định chuẩn y bản án tử hình do Chánh án Tòa án binh tối cao tuyên đối với Trần Dụ Châu (2).

Mặt khác, từ rất sớm Bác đã khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người. Bác viết: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Và cuộc đời của Bác cũng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để mọi người chúng ta cùng học tập và làm theo. Giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tổng Bí thư nhấn mạnh có rất nhiều điều chúng ta cần học, nên học và phải học, vì Bác là tấm gương sáng về mọi mặt. Bác có nhiều lời nhắc nhở, căn dặn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ…, cứ mang những lời căn dặn ấy ra mà học, không cần chờ đợi quy chế, quy định, hướng dẫn.

Liên hệ với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và tự soi rọi bản thân mình để chọn nội dung, mẩu chuyện từ tấm gương của Bác để học, để làm theo. Việc học và làm theo đó tiến hành lâu dài, thường xuyên, chân thành, thiết thực, có hiệu quả, làm cho tư tưởng chính trị, tấm gương đạo đức của Bác thấm sâu vào tâm não, vào máu thịt và biến thành hành động bình thường của chúng ta.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp trị và đức trị, trong đó pháp trị là phần cứng, đức trị là phần mềm: “Pháp luật là đạo đức biểu hiện ra bên ngoài. Đạo đức là pháp luật ẩn giấu bên trong”(3), chúng ta xây dựng con người tốt đẹp, dân tộc trường tồn trên đất nước ta.

TRẦN  QUÂN

(1) Trích trong “Yêu cầu ca”, Báo Nhân Dân ngày 30-1-1977.
(2)  Nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (nay là Tổng cục Hậu cần) can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến.
(3) Câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 - một trong 3 Tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ.
 

.
.
.