Sân bóng đá cấp xã chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí
Thực hiện Đề án “Phát triển thể dục - thể thao (TD-TT) xã (phường, thị trấn) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010”, toàn tỉnh có 33 xã (phường, thị trấn) đã được đầu tư xây dựng sân bóng đá, trong đó có 16 sân được xây dựng mới và 17 sân được sửa chữa nâng cấp, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.
Theo đó, huyện Tân Phước và Gò Công Đông - mỗi huyện xây mới 3 sân; Chợ Gạo xây mới 4 sân; Cái Bè xây mới 1 sân, sửa chữa 4 sân; Châu Thành nâng cấp 4 sân; Tân Phú Đông xây mới 2 sân, sửa chữa 2 sân; Gò Công Tây nâng cấp 3 sân và TX. Gò Công xây mới 1 sân bóng đá.
Đối với sân xây mới, kinh phí bình quân từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng/sân; đối với sân nâng cấp, sửa chữa có mức kinh phí đầu tư bình quân 500 triệu đồng/sân.
Sân bóng đá xã Song Thuận (Châu Thành) để cỏ hoang mọc vì không có người chơi. |
Mặt tích cực sau khi thực hiện Đề án là: Từ nguồn kinh phí của tỉnh đã giúp cho các địa phương trong tỉnh xây dựng được nhiều sân bóng đá đạt chuẩn, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân; đồng thời là nơi để tổ chức các hoạt động thi đấu, biểu diễn các môn thể thao.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các sân bóng đá ở các xã vừa được xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp, chúng tôi ghi nhận chỉ có một số sân đầu tư có hiệu quả, khai thác sử dụng tốt, có đà phát triển; số sân còn lại chủ yếu sử dụng cho các hoạt động thi đấu giải, thậm chí có sân không hoạt động.
Cụ thể, sân bóng đá xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) được đầu tư xây dựng từ năm 2008, với diện tích 19.887 m2, kinh phí thực hiện 2,475 tỷ đồng; thế nhưng từ khi xây dựng đến nay, mỗi năm chỉ phục vụ được vài trận đấu giao hữu.
Chị Nguyễn Thị Lùn, nhà ở gần sân bóng đá xã Thạnh Mỹ cho biết: Từ đầu năm đến giờ sân không có ai đến chơi, còn trong năm 2011 thì có khoảng 5 trận đấu bóng đá. Vì không có người đến luyện tập, xã không có kinh phí để thuê người cắt cỏ, quản lý nên sân bóng đá xã nhìn vào như một khu đất hoang, cỏ dại mọc che khuất các cầu môn.
Còn sân bóng đá xã Song Thuận (Châu Thành) đã nâng cấp từ mấy năm nay. Sân có chiều dài 100m, chiều ngang gần 50m, kinh phí nâng cấp khoảng 550 triệu đồng. Mặc dù sân bóng nằm trên phần đất “vàng” - mặt tiền tỉnh lộ, nhưng sửa chữa nâng cấp xong rồi để cho… cỏ mọc hoang, không có người đến tập luyện. Trong khi đó, do kinh phí hạn chế nên xã không có tiền để thuê người cắt cỏ (khoảng 4 triệu đồng/năm).
Riêng sân bóng đá Phú Kiết (Chợ Gạo) cũng có chung số phận như 2 sân bóng đá Thạnh Mỹ và Song Thuận, xây xong rồi không có người đến luyện tập nên cỏ dại mọc um tùm.
Sân bóng đá xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) cỏ hoang mọc che khuất cầu môn. |
Anh Lê Đinh Ninh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện Châu Thành cho biết: Từ năm 2008 đến nay, huyện được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp 4 sân bóng đá, với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chỉ có 3 sân hoạt động có hiệu quả.
Ông Lê Quốc Trung, cán bộ Trung tâm VH-TT huyện Tân Phước đã thừa nhận, huyện được đầu tư xây dựng mới 3 sân bóng đá, thế nhưng các sân chủ yếu chỉ sử dụng để tổ chức các giải bóng đá phong trào của huyện, xã hoặc thanh, thiếu niên đến chơi bóng đá mini nên chưa phát huy hết hiệu quả của sân.
Theo ông Phan Văn Nùng Nhỏ, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT, Sở VH-TT&DL, thực tế nhiều nơi không có sân bãi tập luyện, còn một số nơi có sân nhưng không có người chơi.
Nguyên nhân là do việc đầu tư xây dựng sân bóng đá không thật sự dựa theo nhu cầu của người dân trong xã hoặc xây dựng sân xa khu dân cư, trường học; sân không có hàng rào bảo vệ, không người trực tiếp quản lý, chăm sóc, đã dẫn đến tình trạng hoang hóa, xuống cấp.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí sự nghiệp TD-TT hàng năm phân bổ cho cấp xã còn hạn chế, không đủ chi để tổ chức các hoạt động TD-TT, không đủ tiền để sửa chữa nâng cấp các sân bị xuống cấp. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ TD-TT cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên chưa làm tốt vai trò tham mưu, tổ chức phong trào TD-TT ở cơ sở mình phụ trách.
Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Châu Thành Lê Đinh Ninh Vũ phân tích thêm: Hiện nay, sân bóng đá mini bùng phát, được đầu tư tốt hơn nên đã thu hút một lượng lớn thanh, thiếu niên đến chơi. Bên cạnh đó, hiện nay thanh niên ở nông thôn phần lớn đi làm ở các khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu thanh niên đến các sân bóng đá để luyện tập cũng giảm đáng kể.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy hiệu quả các sân bóng đá được xây dựng và nâng cấp sửa chữa theo đề án này để tránh lãng phí? Ông Lê Đinh Ninh Vũ cho biết: Thực tế cho thấy, các sân bóng đá thực hiện mô hình xã hội hóa đã đem lại hiệu quả cao. Đối với sân Tân Lý Tây và sân Tam Hiệp (Châu Thành), xã cho tư nhân quản lý, họ bỏ tiền ra đầu tư hàng rào, trồng và chăm sóc cỏ rồi cho thuê đá với giá 300 ngàn đồng/trận, có trọng tài.
Với mô hình trên, lúc đầu sân Tân Lý Tây và Tam Hiệp cho thuê khoảng 10 trận/tuần. Thời gian gần đây, do mô hình sân bóng đá mini bùng phát nên số lượng người đến sân chơi giảm, còn khoảng 4 trận/tuần, dẫu sao hiệu quả sân vẫn còn cao, là minh chứng về mô hình xã hội hóa sân bóng đá đã mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Phan Văn Nùng Nhỏ, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT, Sở VH-TT&DL giải thích thêm: Vấn đề xã hội hóa sân bóng đá do Nhà nước đầu tư thì chưa có chủ trương.
Việc sử dụng sân bóng đá vừa mới được xây dựng và sửa chữa nâng cấp theo Đề án “Phát triển TD-TT xã (phường, thị trấn) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010” như thế nào cho có hiệu quả thì ngành hữu quan cần phải tìm giải pháp, tránh lãng phí, gây bức xúc cho xã hội.
NGUYÊN CHƯƠNG