Thứ Tư, 31/10/2012, 14:14 (GMT+7)
.

Xí đất chờ… chết

Tuy không rầm rộ và cạnh tranh quyết liệt như ở các địa phương phía Bắc nhưng ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang việc trùng tu, nâng cấp, cải táng, xây mới mồ mả cũng diễn ra khá rầm rộ và đều khắp. Hầu hết mồ mả cũ hay mới đều được cứng hóa bằng bê tông ở mức độ khác nhau, kể cả những mả “mồ côi”.

Đi khắp các nghĩa trang, nghĩa địa nhân dân nằm rải rác trong các đồng bãi rất khó tìm ra những nấm mộ đất. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, vì phần nào nó phản ánh sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương cũng như của từng hộ gia đình; thể hiện truyền thống hiếu nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Tuy nhiên, đi đôi với những điều đáng mừng nói trên, câu chuyện về “phần âm” này cũng mang lại nhiều hệ lụy đáng phải bàn.

Đây là khu mộ của một cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ vẫn còn sống khỏe. Khu mộ này có diện tích khoảng 1.000 mét vuông được sang lại từ người khác, nằm trong khu dân cư, cặp đường huyện 16 trên địa phận ấp Thới Hòa, xã Long Bình (Gò Công Tây) được cho phép xây dựng từ vài năm nay. Họ có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, song đó là sự bức xúc của cư dân.
Đây là khu mộ của một cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ vẫn còn sống khỏe. Khu mộ này có diện tích khoảng 1.000 mét vuông được sang lại từ người khác, nằm trong khu dân cư, cặp đường huyện 16 trên địa phận ấp Thới Hòa (Long Bình, Gò Công Tây) được cho phép xây dựng từ vài năm nay. Họ có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, song đó là sự bức xúc của cư dân.

Nhiều hộ gia đình, dòng họ có cơ may trở thành “đại gia”, hoặc có nguồn tài trợ của người thân đang sinh sống ở nước ngoài mà trở nên “phú quý” đã bỏ ra tiền triệu, thậm chí là tiền tỷ để xây những khu mộ gia tộc với những ngôi nhà mồ thật quy mô, hoành tráng và lộng lẫy.

Ta sẽ rất dễ tìm gặp những chiếc cổng xây kiểu giả cổ với những cái tên cũng rất “giả cổ” như: “Lê tộc chi mộ”, “Nguyễn gia chi mộ”, “Nghĩa trang Trần tộc”…

Mỗi khu mộ họ tộc như vậy, nhỏ nhất cũng chiếm mất vài trăm mét vuông đất (bằng diện tích thổ cư tối đa ở vùng đồng bằng nông thôn theo quy định), có khu rộng 700 - 800 mét vuông, cá biệt có khu rộng vài ngàn mét vuông. Hầu hết những khu mộ này đều được xây mới trên đất nông nghiệp và thường là đất “bờ xôi, ruộng mật”.

Một số được xây trên “đất nhà” (đất mà họ đang được Nhà nước giao quyền sử dụng dài hạn), số còn lại là sang nhượng lại của người khác. Thậm chí có nhiều khu mộ hoành tráng nhưng hoàn toàn trống, chỉ mới xây vài cái kiêm tĩnh cho chính chủ nhân của nó, tức đây chỉ là công việc xí đất chờ…  chết. Những khu mộ này được xây công khai với quy mô lớn và kéo dài nhiều ngày, thậm chí vài tháng.

Điều đó có nghĩa đã được các cơ quan chức năng của cơ sở, địa phương cho phép từ khâu sang nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang xây nghĩa trang, đánh giá tác động môi trường (đối với những khu mộ nằm trong hoặc gần khu dân cư) và cả giấy phép xây dựng. Như vậy có phải chăng các cơ quan chức năng ở cơ sở, địa phương đã đồng tình, thừa nhận, xác nhận sự cần thiết, hợp pháp và hợp đạo lý về sự tồn tại của những ngôi nhà mồ này?

Xây mồ mả cho tổ tiên, cho người thân hay cho chính mình đi nữa là sự cần thiết, nhưng khi tiến hành làm dường như người ta không nghĩ các điều kiện, hoàn cảnh xã hội, mà chỉ nhằm thỏa mãn mục đích thể hiện sự hãnh tiến của cá nhân, gia đình, dòng họ mà thôi. Họ bất chấp ngay bên cạnh khu nhà mồ hoành tráng của mình là những căn nhà không ra nhà của chính người vừa sang đất cho họ.

Đáng nói hơn là về quan điểm và việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với việc này. Không cần đo đạc thì ai cũng biết diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thêm tác động của vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là vấn đề an ninh lương thực.

Tiết kiệm đất nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng thực sự là vấn đề cho hôm nay và cả mai sau. Nếu ta cấp phép cho mỗi ấp chuyển đổi mục đích sử dụng vài ba ngàn mét vuông đất để làm nhà mồ thì một xã sẽ mất vài ba ha và cứ nhân tiếp thì cả huyện, cả tỉnh sẽ mất bao nhiêu? Trong khi đó còn rất nhiều gia đình mới tách hộ mà chuyện xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang thổ cư thật là tốn kém, nhiêu khê.

Xây nhà mồ là một chuyện khá tế nhị, thuộc về văn hóa truyền thống, liên quan đến chuyện tâm linh nhưng không có nghĩa là nằm ngoài hay nằm trên các chuẩn mực về đạo đức xã hội và nhất là những quy định của hệ thống pháp luật.

Thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước, nhất là các ngành: Văn hóa, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng… cần nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh ban hành một bộ quy chuẩn về những vấn đề có liên quan đến chuyện cho người cõi âm trong sự phát triển của xã hội hiện đại này một cách có trật tự, vừa bảo đảm phát huy truyền thống văn hóa vừa đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng xã hội pháp quyền, văn minh.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.