Thứ Sáu, 26/10/2012, 13:07 (GMT+7)
.

Đọc sách như thế nào & có mấy cấp đọc sách

Gần đây, chúng ta nói nhiều đến “văn hóa đọc”. “Văn hóa” bao hàm nhiều lĩnh vực tinh thần rộng lớn, nào là: Văn hóa ẩm thực, văn hóa đối xử, văn hóa văn nghệ, văn hóa thời trang, văn hóa doanh nhân…

Hễ cái gì mà người ta thấy hay, thấy đẹp thì bảo đó là văn hóa; còn cái gì không hay, không đẹp, thậm chí không hợp thì bảo là kém văn hóa hoặc phi văn hóa… Xem ra phạm trù “văn hóa” quả là mênh mông, bao la…

Người Nhật từng nói: “Nếu người Nhật không có các lễ hội truyền thống thì nước Nhật thành nước Mỹ”. Như vậy cho thấy văn hóa là một lĩnh vực quan trong như thế nào.

Trong thư viện tỉnh. Ảnh: Đ.L
Trong thư viện tỉnh. Ảnh: Đ.L

Với tôi, cho đến bây giờ cũng chưa nghiên cứu được sâu sắc “văn hóa đọc” là thế nào. Bằng kinh nghiệm bản thân, bằng quan sát xã hội, tôi chỉ xin trình bày một khía cạnh trong việc đọc sách mà thôi.

Ngày nay, trong gia đình chúng ta, người thích đọc sách và đọc quên ăn, quên ngủ là các cháu học sinh bậc tiểu học, nhưng sách các cháu đọc chủ yếu là truyện tranh. Còn trong trường học, trong cơ quan (và cả trong gia đình nữa), giới trẻ là người đọc nhiều sách, nhiều báo nhất, song đa số lại đọc trên mạng. Còn tôi, tôi thường đọc sách in, báo in và gần đây cũng thường đọc cả trên báo mạng.

Cứ nghĩ như vậy là xã hội chúng ta, nhất là giới trẻ đang tiến theo trào lưu tiến bộ trên thế giới. Thế nhưng, tôi nhận ra mình đã lầm sau khi tôi có những chuyến công du nước Mỹ và một số nước châu Âu.

Năm 2009, trên chuyến bay từ Việt Nam tới Nhật Bản, qua New York, rồi các chuyến bay nội địa Hoa Kỳ và cả khi bay về Việt Nam, tôi đã chứng kiến trên tay đủ các lứa tuổi luôn có cuốn sách dày cộm, trong thời gian ngồi trên máy bay nếu không ăn, không ngủ thì trước mắt họ luôn là những trang sách. Ngoài ra, trong công viên, trên tàu điện ngầm… cũng vậy. Ngay cả Việt kiều Canada khi về nước, trong ba lô cũng luôn có mấy cuốn sách.

Vậy ma lực nào trong sách khiến người đọc thích nó, mê nó, nghiền nó vậy? Tôi không biết. Nhưng tôi chiêm nghiệm rằng, mỗi khi đọc xong cuốn sách hay, nhất là lĩnh vực mình thích thì cả kiến thức và nếp văn hóa đọc được bồi đắp thêm.

Cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong đời là sách văn học, tập 8 tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Từ đó tôi mê đọc truyện (năm đó tôi đang học lớp 5/10). Ngày ấy đến nay không biết tôi đã đọc bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài báo từ triết học cho đến văn học, chính trị, khoa học - kỹ thuật, tâm linh, phong thủy, tử vi, sách giải trí… Có thể nói, ngày nào (cho đến tuổi này) tôi cũng dành ít nhất 3 giờ cho việc đọc.

Trong nhà tôi đang có một thư viện vài ngàn cuốn, với đầy đủ các loại sách, tạp chí. Thư viện trong biệt thự Hoa Mai của tôi đã cung cấp tài liệu, số liệu cho 2 tác giả viết và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và 1 luận văn tiến sĩ kinh tế chuyên ngành.

Thư viện gia đình, báo chí hàng ngày đã góp phần không nhỏ nếu không muốn nói là chiếm vị trí đặc biệt để biến một thanh niên nhút nhát quê ở vựa lúa Thái Bình thành một doanh nhân, nhà báo, nhà thơ được nhiều người biết và yêu quý như hôm nay.

Tất nhiên kiến thức từ đọc sách nó ngấm vào người từ từ và từ lúc nào không biết, chỉ đến khi cần dùng tới thì tự nó xuất hiện. Vậy tôi sẽ nói gì với các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên (một thời là ước mơ của tôi, khi tuổi trẻ của tôi là những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước) về việc đọc sách mà các bạn đang gọi là “văn hóa đọc” hôm nay?

Theo tôi, đọc sách, báo, tạp chí… là một việc phải làm liên tục suốt đời nếu ai đó muốn mình là người đồng hành cùng pho tàng tri thức nhân loại và luôn phát triển từng ngày. Vậy muốn đọc sách (đọc các loại sách, báo in, báo mạng…) thì điều đầu tiên là phải dành thời gian cho nó. Quỹ thời gian của con người luôn có hạn, quỹ thời gian hàng ngày càng có hạn, do vậy phải biết bớt thời gian từ các việc khác để dành cho việc đọc sách.

Để việc đọc sách được hứng thú, liên tục, bạn phải biết lựa chọn đề tài sao cho phù hợp với tâm tư, hoàn cảnh, hoặc vấn đề thời sự đang nóng ngoài xã hội được nhiều người quan tâm… Khi đó bạn sẽ gặp “ma lực” của sách khi đọc. Thí dụ: Khi đang yêu thì bạn đọc thơ tình, những tiểu thuyết, bút ký về chủ đề tình yêu… Tất nhiên chuyên môn bạn là ngành nào, ý thích của bạn muốn tìm hiểu về lĩnh vực nào là chính thì bạn nên đọc loại sách ở lĩnh vực đó nhiều hơn.

Sách ở đâu để đọc? Bây giờ có rất nhiều nơi để  bạn tìm, mượn sách tốn rất ít tiền. Thư viện, bạn bè, Internet, nhà sách, ti vi… thật quá nhiều, quá dễ,  không như thời trai trẻ của tôi chỉ có một loại sách in, báo in vừa ít vừa đắt.

Vậy đọc sách như thế nào và có mấy cách đọc?

- Đọc bằng tai (nghe radio, nghe băng, nghe người khác đọc).

- Đọc bằng mắt, đọc trực tiếp bằng mắt trên sách, trên mạng, ti vi.

Bạn có thể thay đổi cách đọc nhiều lần trong ngày để cho các giác quan không bị mệt mỏi, ngược lại nó được cân bằng. Như vậy những điều kiện đầu tiên để bạn đọc sách đã có, song đọc sách để làm gì và có mấy cấp đọc?

Qua nghiên cứu và chiêm nghiệm, tôi thấy có 3 cấp đọc sách:

1. Đọc và hiểu những điều viết trên những dòng chữ.

2. Đọc sách và suy ngẫm những điều ở giữa các dòng chữ.

3. Đọc sách và hiểu những điều đang diễn ra ở ngoài những dòng chữ.

Để làm sáng tỏ 3 cấp đọc này, tôi xin dẫn chứng 2 ví dụ sau:

Thi hào Nguyễn Du có 2 câu thơ mở đầu Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo mà ghét nhau”.

Văn hào Nga Ôxtơ Rôpsky viết trong “Thép đã tôi như thế đấy” như sau: “Tuổi thiếu niên, tuổi thiếu niên tươi đẹp biết bao khi mà bạn còn chưa biết gì đến khát vọng, mà bạn mới chỉ cảm thấy mơ hồ trong tiếng đập gấp gấp của trái tim, khi mà tuổi trẻ còn ngăn được lòng bạn chưa đi đến bước cuối cùng của tình cảm; còn gì trên đời có thể ngọt ngào hơn hai cánh tay người yêu đang ôm quàng lấy cổ bạn và chiếc hôn của ai nồng cháy như có luồng điện phát ra”.

Nếu ở cấp đọc thứ nhất thì chúng ta hiểu ý 2 câu thơ của Nguyễn Du là: Trong cõi người hàng trăm năm qua, vì tài năng và số mệnh quyết định mà người ta ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Còn với đoạn văn của Ôxtơ Rôpsky thì ông muốn nói tình yêu của tuổi thiếu niên rất trong sáng, đẹp đẽ, ngọt ngào, nó xuất phát từ trái tim rung động lần đầu của các bạn nam, nữ thanh niên mới lớn chân thành và hấp dẫn.

Khi sang cấp đọc thư hai, tức là “đọc giữa các dòng chữ” thì ý 2 câu thơ của Nguyễn Du nói: Trong cuộc sống, tài năng và định mệnh chính là nguyên nhân của sự ganh ghét đố kỵ giữa con người với con người, vì chính nó tạo ra kẻ giàu - người nghèo, kẻ quyền cao chức trọng - người nô bộc, dân đen.

Còn đoạn văn của Ôxtơ Rôpsky thì giữa các dòng chữ của ông là: Chỉ có tình yêu của những người ở tuổi thiếu niên mới lớn chưa có suy nghĩ của kẻ chiếm đoạt để tận hưởng những “tận cùng khoái cảm” của phần “con” trong con người, thì mới là tình yêu thiêng liêng, đẹp đẽ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ đã ai quên?”.

Còn ở cấp đọc thứ ba thì sao? Với 2 câu của thi hào Nguyễn Du, sau khi đọc kỹ, suy ngẫm và đối chiếu giữa cái thời đại ông sống, ông sáng tác tác phẩm với thời đại chúng ta đang sống có gì khác nhau? Nó cho ta bài học ở trong cuộc đời là: Nếu có ganh ghét, ghen tỵ, thậm chí sát hại lẫn nhau là do con người thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa sống (bởi người ta ít học) nên họ đối xử với nhau như kẻ hèn hạ, độc ác, đáng khinh bỉ, chung quy cũng từ ít học, ít đọc, hoặc học nhiều, đọc nhiều mà không hiểu sinh ra.

Với đoạn văn của Văn hào Ôxtơ Rôpsky cho chúng ta một suy nghĩ: Lứa tuổi thiếu niên chúng ta hiện nay có còn được cái tình cảm trong sáng “mơ hồ”, “gấp gấp” và không đi đến “bước cuối cùng” để được hưởng “cái hôn nồng cháy như luồng điện” không? Tại sao nhiều bạn trẻ đang ở tuổi thiếu niên mà sớm thành “Con ong đã tỏ đường đi lối về?”.

Vậy vấn đề đặt ra cho giáo dục đạo đức hôm nay là gì? Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm với đất nước phải làm gì? Khi mà nhiều bạn trẻ không được hưởng cái “ngọt ngào” cao đẹp, sung sướng “hai cánh tay người yêu ôm quàng lấy cổ” và “chiếc hôn nồng cháy như luồng điện” đến với mình, mà chỉ  sau lần tiếp xúc đầu tiên với bạn trai, các em gái đã trở thành đàn bà ở tuổi thiếu niên.

Như vậy chúng ta có thể kết luận ở 3 cách đọc sách (các loại sách), bạn sẽ có 3 cấp hiểu biết và suy xét, đó là: Tiếp nhận, suy ngẫm và sáng tạo.

Như vậy, dù đọc ở cấp độ nào cũng có lợi cả. Có cấp độ lợi cho tình cảm, giải trí; có cấp độ lợi cho trí tuệ bản thân người đọc và có cấp độ đem lại lợi ích cho người khác khi mà bạn sáng tạo đưa ra những bài viết, những tác phẩm nhằm cảnh báo cho xã hội để mọi người quan tâm đến những vấn đề mà nó còn nằm ở đâu đó chưa được xử lý, do bàng quang hay ngại ngùng nên người ta chưa muốn giải quyết.

Tuy nhiên, có nhiều loại sách, do trình độ và cũng do nhu cầu khác nhau của từng người đọc, hoặc do quỹ thời gian chi phối… nên chọn sách nào cần đọc tương ứng với điều kiện của người đó. Với tôi, tất nhiên tôi luôn cố gắng nâng cấp đọc cho mình ở mức thứ ba, song cũng phải chấp nhận đọc để đạt cấp độ thứ ba thì mất nhiều thời gian và cần trí tuệ nhiều hơn.

TRẦN ĐỖ LIÊM

.
.
.