Thứ Hai, 29/10/2012, 10:53 (GMT+7)
.

Vấn đề Biển Đông: Kiên quyết và bình tĩnh

Chủ quyền biển, đảo của nước ta ở Biển Đông đã được xác lập từ trong quá khứ xa xưa khi chưa có cư dân nào trên các đảo trước khi người Việt chúng ta đến cai quản và sau đó một thời gian dài không hề có ai đến tranh chấp.

Mãi đến năm 1956, nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève, Trung Quốc đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa đang do nhà cầm quyền Sài Gòn quản lý. Đến năm 1974, cùng sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Sài Gòn trấn giữ.

Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long
Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Phùng Long

Đối với quần đảo Trường Sa, chúng ta là nước đầu tiên làm chủ nguyên một vùng biển, đảo rộng lớn. Tuy nhiên, với lực lượng hải quân nhỏ bé, chúng ta chỉ có thể làm chủ ở một số đảo. Năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân quốc cho tàu chiến đổ bộ lên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Sau đó bị thất bại trong nội chiến, họ tháo chạy ra đảo Đài Loan; đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình năm 1950. Năm 1956 họ quay trở lại xây dựng cơ sở quân sự và chiếm đóng trái phép cho đến nay.

Năm 1971, Philippines đã lấn chiếm và làm chủ 5 đảo phía Đông, năm 1973 họ lấn chiếm tiếp 2 đảo ở phía Bắc. Với Malaysia, đến năm 1979 họ lấn chiếm và làm chủ 7 đảo ở phía Nam. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của ta. Đến năm 2005, họ đánh chiếm 2 đảo do Philippines quản lý. Năm 1975, trong khi giải phóng miền Nam, ta giải phóng luôn quần đảo Trường Sa, phần do quân đội Sài Gòn trấn giữ. Hiện ta đang làm chủ 29 đảo và bãi đá ngầm.

Quan điểm, lập trường, chủ trương giải quyết vấn đề chủ quyền biển, đảo của nuớc ta ở Biển Đông đã được minh định rõ ràng: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”(Khoản 3, Điều 4 Luật Biển Việt Nam). Đây là nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, đảo của nước ta.

Thực tế cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới, với nguyện vọng của nhân dân ta và nhân dân các nước, trong đó có nhân dân Trung Quốc, được dư luận rộng rãi trên thế giới đồng tình và ủng hộ.

Dù có lúc căng thẳng trên Biển Đông, ta vẫn kiên quyết bảo vệ vững chắc cái gì chúng ta đã có, nhất là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trên thềm lục địa, chúng ta không cho ai đặt nhà giàn, giàn khoan, trụ thăm dò nào. Ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có nghĩa ta không chuẩn bị đối phó với mọi tình huống.

Chỉ những gì được phản ánh trên báo chí, chúng ta biết quân đội ta đã trang bị tàu hộ vệ tên lửa có khả năng bảo vệ cách bờ 200km trở lại, có những tên lửa tầm bắn 600km và cả những tên lửa, máy bay, tàu ngầm nằm trong số những vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Chính các tướng lĩnh Trung Quốc nhận định, đánh chiếm Trường Sa mất khoảng một tuần, nhưng khó có thể giữ được.

Nhiều nhà trí thức, chuyên gia sáng suốt ở Trung Quốc đã công khai bác bỏ đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về chủ quyền trên vùng biển mà họ tự vẽ, thường được gọi là “đường lưỡi bò”, đòi tôn trọng Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà chính họ đã ký, như ông Lý Lệnh Hoa (Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin hải dương TQ), ông Ngô Kiến Dân (Nhà ngoại giao kỳ cựu của TQ, từng là người phiên dịch tiếng Pháp cho các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã lên tiếng (1).

Đoàn cán bộ TP Hồ Chí Minh trồng cây kỷ niệm ở Trường Sa. Ảnh: Phùng Long
Đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh trồng cây kỷ niệm ở Trường Sa. Ảnh: P.Long

Đại bộ phận nhân dân ta đã rõ, chỉ một số rất ít còn mơ hồ bị những kẻ chống đối chế độ trong nước đầu độc bằng những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật.

Chiều ngày 28-9 vừa qua, trong buổi bế mạc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh với gần 1.000 kiều bào từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng) đã nói chuyện về Biển Đông với kiều bào. Buổi nói chuyện được các báo trong nước, ngoài nước mô tả là đặc biệt thành công (2).

Trong số những kẻ chống đối, có những tên đã nhẵn mặt làm tay sai cho ngoại bang, nay lại lên lớp dạy cho ta bài học yêu nước, nêu cao tinh thần dân tộc. Chúng chỉ đổ dầu vào lửa, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi; đề cao, tâng bốc những bạn trẻ có những biểu hiện bài ngoại quá khích như những anh hùng để lợi dụng chống phá chế độ.

Nơi có nhiều hoạt động vì Trường Sa thân yêu như TP. Hồ Chí Minh mà trong buổi giao lưu trực tuyến sáng 26-10 vừa qua Bí thư Thành đoàn đã trả lời câu hỏi đầu tiên trong gần 550 câu: “Anh nhắn gửi gì với tuổi trẻ thành phố trong cương vị người lãnh đạo công tác thanh niên trước tình hình phức tạp và những thông tin sai lệch trên Internet về Biển Đông?”.

Chúng ta không thể xem thường những thông tin bịa đặt của bọn xấu. Cần tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận những thông tin chân thật, chính xác về Biển Đông. Thái độ của chúng ta là kiên quyết nhưng bình tĩnh.

TRẦN  QUÂN

(1) Ngày 3-8-2012, trong bài viết đăng trên báo điện tử SINA nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (sau đây viết tắt là Công ước), ông Lý Lệnh Hoa viết: “Nước ta là quốc gia ký và phê chuẩn Công ước, cần phải tỏ rõ cho thiên hạ thấy sự thành tâm của mình, gương mẫu quán triệt và chấp hành toàn bộ mọi điều khoản của Công ước…”

(2) Dù từng bị các phần tử quá khích của TQ gọi là “Hán gian”, “Tay sai nước ngoài”, nhưng ông Ngô Kiến Dân không hề nao núng, vẫn thẳng thắn nêu quan điểm của mình về tranh chấp Biển Đông. Cuối tháng 3 vừa rồi, ông đã nhận lời đối thoại trên tờ Nam Phương Nhật báo (Nanfang Daily) của tỉnh Quảng Đông về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Với câu hỏi: “Ông từng viết bài báo có tên “Tranh chấp Nam Hải, TQ kiềm chế là tự tin”, gây nên sự chú ý rộng lớn, cũng có những người phản đối?”, ông trả lời: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (không nhịn điều nhỏ sẽ hại việc lớn). Quan điểm của tôi là yêu nước, nhưng cũng phải yêu nhân loại thì mới được.

Trong thời đại toàn cầu hóa, tin học hóa khiến lợi ích các nước gắn kết chặt chẽ với nhau, đã đến lúc chúng ta không thể đóng cửa lại để tuyên truyền thứ chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi. Người TQ từ xưa đã có quan niệm về thiên hạ. Quan niệm thiên hạ ấy không nên chỉ hạn hẹp ở TQ mà phải là cả thế giới. Hitler có yêu nước Đức không? Dĩ nhiên có, nhưng theo chủ nghĩa dân túy. Thanh niên ngày nay cần có tầm nhìn rộng mở, phải có trái tim bao dung thiên hạ. Thứ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi là không thể được. Một quốc gia chỉ biết cái lợi riêng mình sẽ mất hết bạn bè, sẽ bị cô lập. Thời nay, cô lập là tai họa”.

Giới thiệu thêm về ông Ngô Kiến Dân: Từng là Vụ trưởng Vụ Thông tin kiêm người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Đại sứ TQ ở các nước Hà Lan, Pháp, giữ các chức Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp (Mặt trận) toàn quốc. Hiện là Viện sĩ Viện Khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu-Á, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải.

Báo điện tử Dân Trí ngày 29-9: “Các đại biểu lắng nghe về tình hình biển, đảo, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc bảo vệ chủ quyền. Mọi người đều vỡ òa niềm vui khi đường lối, chính sách phù hợp với tâm nguyện của đông đảo kiều bào”; “Nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng Thư ký tờ Viet Weekly (Mỹ) tâm sự, anh muốn Nhà nước tổ chức nhiều chuyến đi hướng về Biển Đông cho bà con kiều bào để bà con hiểu hơn về một phần chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời củaTổ quốc.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29-9: “Bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn liên tục bị ngắt quãng vì những tràng vỗ tay. Trong khuôn khổ diễn ra hai ngày Hội nghị, có lẽ đó là bài nói chuyện được lắng nghe chăm chú nhất, nhận được nhiều tràng vỗ tay nhất và có nhiều phút lắng đọng nhất”.

.
.
.