Chuyện tôn sư trọng đạo
Trước thềm kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo năm nay, có hai sự việc tôi cho là rất hay, đáng để bàn bạc và đưa tin nhân ngày hội truyền thống tôn sư trọng đạo này.
Sự việc thứ nhất: Trên blog báo điện tử DÂN TRÍ ngày 3-10-2012 có bài Thầy không “trọng đạo”, sao trò “tôn sư”? của tác giả Bùi Hoàng Tám. Bài báo có bức ảnh đăng kèm câu khẩu hiệu “Rèn thầy trước, luyện trò sau” được trưng trên mặt tiền của ngôi nhà hai tầng thuộc Văn phòng Trường THPT Nguyễn Duy Thì, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: unescovietnam.vn |
Theo tác giả, tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm Nho giáo, vai trò người thầy chỉ sau vua và hơn cả cha đẻ (Quân - Sư - Phụ). Dân gian cũng có câu “Cha sinh không bằng thầy dạy”. Thế nhưng, muốn trò “tôn sư” thì trước hết thầy phải “trọng đạo”. Vả lại người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Cuối cùng, tác giả đặt vấn đề giao lưu với bạn đọc: Bạn có ý kiến gì về câu khẩu hiệu “Rèn thầy trước, luyện trò sau”?; có nên bỏ câu “Tiên học lễ…” nửa cổ nửa kim, nửa tầu nửa ta và nếu bỏ thì nên chọn câu nào thay thế? Tất nhiên theo tác giả, đây là một câu khẩu hiệu rất hay, đề ra được những hành động cụ thể, giàu tính thực tiễn, có thể thay câu “Tiên học lễ…”…
Blog Dân Trí lập tức nhận được rất nhiều ý kiến bình luận gửi đến và khi tôi truy cập đã có 115 lời bình! Đa số ý kiến đồng tình với tác giả, còn chỉ rõ thêm nhiều hiện tượng tha hóa, xuống cấp về đạo đức, phẩm chất của người thầy, vậy nên đề ra việc rèn thầy là rất cần thiết trong lúc này.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, đáng kể như: “Tiên học lễ, hậu học văn” là một câu rất hay, nó không chỉ dành để cho học trò mà cho tất cả mọi người (trong đó có các thầy cô), hiểu đơn giản là: trước phải học lễ nghĩa (rèn cái đức), sau mới học văn (rèn cái tài), nếu có câu hay thì nên thêm chứ không nên thay.
Theo tôi, câu “Rèn thầy trước, luyện trò sau” không nên sử dụng vì như thế khó dạy học trò, dù sao trình độ học vấn của thầy cũng hơn học trò rất nhiều, các nhà nghiên cứu giáo dục phải sưu tầm và cung cấp cho các trường những khẩu hiệu hay, thiết thực và thống nhất chung cho cả nước.
Ở trường học là nơi để dạy học nên chỉ treo những câu nào dạy bảo học sinh thôi, câu này nên treo ở trường sư phạm. Tại sao phải quay lại để giáo dục “ông thầy”?! Xã hội có luật pháp, ai làm sai người ấy chịu, sao lại quy kết tội cho cả một “đám ông thầy”?...
Cá nhân tôi, tôi có phần nghiêng về ý kiến thứ hai hơn. Tôi nghĩ, nhà trường phổ thông là nơi giáo dục, đào tạo học sinh, khẩu hiệu trên có thể làm các em phân tâm, ỷ lại: Ở đây thầy cô cũng phải rèn luyện chứ không riêng gì mình; mình sai, mình kém biết đâu do thầy cô sai kém trước… Mặt khác, còn có thể làm cho những người thầy mẫu mực bị tổn thương lòng tự trọng.
Để xây dựng người thầy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Thầy ra thầy”. Cách đây 5 năm, Bộ GD-ĐT triển khai Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” cũng là nhằm nhắc nhở người thầy quan tâm rèn luyện cả đức lẫn tài. Thật ra, những người thầy đáng kính vẫn chiếm số đông so với những “con sâu”.
Sự việc thứ hai: Báo Tuổi Trẻ ra ngày 15-11-2012 đăng tin Trò xây nhà tặng thầy do hai cựu sinh viên (không muốn nêu tên) Khoa Chăn nuôi Thú y Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh vừa xây tặng GS. Dương Thanh Liêm - nguyên Hiệu trưởng nhà trường - một căn nhà ba tầng khang trang cùng tivi, tủ lạnh, bếp gas, giường, tủ… (hai sinh viên cũng từ chối thông tin về giá trị ngôi nhà).
Sau khi ra trường, hai sinh viên này vẫn giữ liên lạc với trường và thường hỗ trợ học bổng cho sinh viên khó khăn. Biết hoàn cảnh của thầy Liêm ngặt nghèo (75 tuổi vẫn ngày ngày nuôi vợ bệnh tâm thần, hai con gái bị suy nhược thần kinh, người con trai duy nhất đã chết đuối năm 13 tuổi, đến nay cả gia đình vẫn ở trong khu tập thể của trường) nên mong muốn hỗ trợ thầy. Thầy từ chối, hai cựu sinh viên phải vận động Ban giám hiệu nhà trường thuyết phục giúp.
Một tấm gương tôn sư trọng đạo tuyệt đẹp!
TRẦN QUÂN