Nhà giáo đồng hành cùng nhà nông: Ý tưởng & hiện thực
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nông nghiệp và giai cấp nông dân. Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giầu thì nước giầu. Nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”.
Sau khi đánh thắng thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra chủ trương mở Trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông Lâm; đồng thời thực hiện chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy năng lực trí tuệ, thiết thực phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân.
Tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nhận thức được sứ mệnh, vai trò của trường đại học đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đảng ủy Trường Đại học Tiền Giang khẳng định và chỉ đạo: “Nông nghiệp, nông thôn Tiền Giang là cái nôi nuôi dưỡng và làm giàu trí tuệ, là kho của cải, vật chất mà lực lượng trí thức của nhà trường cần liên minh với nông dân để nghiên cứu hầu giúp nông dân khai thác, sử dụng có hiệu quả để cùng làm giàu. Do vậy, không được xa rời nông nghiệp, nông thôn và phải nhanh chóng đồng hành cùng nông dân”.
Lớp nghề kỹ thuật chọn giống và sản xuất lúa do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp - Trường Đại học Tiền Giang và Phòng NN &PTNT huyện Cai Lậy mở tại xã Tân Bình. Ảnh: Vĩnh Sơn |
Với quan điểm trên, lãnh đạo Trường Đại học Tiền Giang đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường cán bộ nhiều kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức nghiên cứu nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng lao động nông thôn,…
Trực tiếp hơn, nhà trường đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp các huyện chuyển giao công nghệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; kỹ thuật trồng, chọn giống cho nông dân vùng chuyên canh cây ăn trái và vùng lúa năng suất cao; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo nái và phòng dịch bệnh cho gà, vịt, cút ở những địa bàn quan trọng.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học công nghệ Trường Đại học Tiền Giang cũng đã đồng hành cùng nông dân với máy sấy ngũ cốc, máy thái lục bình; đã và đang nghiên cứu chế tạo phương tiện thủy trục vớt cỏ dại, lục bình trên sông, kinh rạch. Bộ môn Công nghệ thực phẩm đã chuyển giao công nghệ sản xuất nước rau má đóng chai, purê rau má; nghiên cứu thành công xoài sấy tẩm gia vị…
Trước thực tiễn sản xuất và yêu cầu nâng cao đời sống của nông dân, Trường Đại học Tiền Giang cũng tự nhận thấy chưa thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của mình đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do vậy, nhà trường cần xây dựng chương trình đồng hành cùng nhà nông một cách đồng bộ, toàn diện, rộng khắp trong toàn tỉnh và mở rộng ra đồng bằng sông Cửu Long với những nội dung và giải pháp như sau:
Thứ nhất, đồng bộ hóa chương trình chuyển giao. Tùy theo chức năng và chuyên môn giảng dạy, các khoa, bộ môn đều phải có kế hoạch, chương trình giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân một cách cụ thể như:
Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học nghiên cứu làm gia tăng giá trị nông sản qua bảo quản, chế biến, nhất là trái cây, lúa gạo, cá; tận dụng phế liệu, phế phẩm sản xuất thức ăn, phân bón...
Khoa Kỹ thuật Công nghiệp sẽ liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu chuyển giao công nghệ sau thu hoạch để giảm bớt hao hụt trong thu hoạch, bảo quản, tăng khả năng chế biến nông sản xuất khẩu.
Khoa Kinh tế sẽ hỗ trợ nông dân quảng bá thương hiệu, tìm thị trường đầu ra cho những sản phẩm đặc sản, chủ lực; đào tạo, hỗ trợ nông dân làm du lịch, tư vấn pháp lý cho nông dân khi ký hợp đồng kinh tế…
Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở rộng địa bàn chuyển giao kỹ thuật chọn giống lúa, trồng cây ăn trái, phòng trừ dịch bệnh trên cây ăn trái, hoa màu, gia cầm, gia súc…
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học công nghệ nghiên cứu chuyển giao các loại máy sấy, trục vớt cỏ, lục bình, công cụ chuyên dùng trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo trì, sửa chữa thiết bị cơ khí nông nghiệp.
Thứ hai, tổ chức các lớp dự bị đại học cho con em nông dân. Qua nhiều năm tuyển sinh cho thấy tỷ lệ con em nông dân trúng tuyển vào Trường Đại học Tiền Giang rất thấp. Để tạo cơ hội cho con em nông dân, nhất là nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn “ăn cơm nhà học đại học”, nhà trường đề xuất với lãnh đạo tỉnh mở “dự bị đại học” theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và không thương mại hóa giáo dục.
Thực hiện được điều này, nhà trường vừa sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản, Khoa Sư phạm vừa nâng cao chất lượng đầu vào. Cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng tìm việc làm cho sinh viên Tiền Giang.
Thứ ba, đào tạo theo địa chỉ - các làng nghề, trang trại, doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều năm qua có chủ trang trại cho cả ba người con của mình học Đại học Thủy sản, đích thân các chủ trang trại cũng tham dự các lớp tập huấn ngắn ngày, tích cực tham dự hội thảo và đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, các khoa, trung tâm của nhà trường phải làm tốt khâu tiếp thị, hoặc trực tiếp mang chữ, mang kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đến với nhà nông.
Thứ tư, đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới; cán bộ cho xã, phường, thị trấn từ sinh viên khá, giỏi. Để xây dựng nông thôn mới và giúp nông dân vượt qua những khó khăn, thách thức, nhà trường nên bổ sung, hoàn chỉnh chương trình phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa và mở lớp đào tạo vào năm học 2013 - 2014. Đồng thời nhà trường gắn với việc bố trí sử dụng của các sở, ngành chức năng tại các cơ sở xã, phường, thị trấn.
Nếu được sự cho phép của lãnh đạo tỉnh, nhà trường cũng nên tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có nguyện vọng phục vụ cho nông dân, chính quyền xã, phường… để tiếp tục đào tạo bổ sung một số học phần về quản lý Nhà nước, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý...
Thực hiện được vấn đề này, chung ta sẽ khắc phục được tình trạng hụt hẫng cán bộ cơ sở và sự lãng phí nguồn nhân lực đã đào tạo.
Thứ năm, nghiên cứu các đề tài phục vụ xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đời sống cho nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn hiện nay, cần nghiên cứu để gắn kết công nghiệp với nông nghiệp, đưa dịch vụ về nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn.
Nếu như “các nhà” - trong đó có đông đảo cán bộ, giảng viên có trình độ và năng lực nghiên cứu của Trường Đại học Tiền Giang không quan tâm nghiên cứu những vấn đề cấp thiết của nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay thì chắc chắn sự phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ không thể bền vững.
Chẳng hạn như về quy hoạch xây dựng nông thôn mới; dịch bệnh trên nhiều loại cây ăn trái; vấn đề vệ sinh môi trường; sản xuất sản phẩm sạch; giải pháp làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân; việc học hành của con em nông dân và nội dung, chương trình bồi dưỡng nông dân…
Thực hiện những việc làm trên, Trường Đại học Tiền Giang đã xác định một hướng đi đúng, một sứ mệnh phải thực hiện. Song, nhà trường không thể tiến hành một cách đơn độc mà phải tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng; với các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh để phát huy mạnh mẽ hơn nữa năng lực của nhà trường trong sự gắn kết với sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn tỉnh.
Có vậy, nông dân Tiền Giang sẽ có rất nhiều bạn đồng hành và họ sẽ trở thành những đồng minh chiến lược của nhau. Sự nghiệp xây dựng nông thôn mới sẽ được đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững, xứng tầm với vị thế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TS. PHAN VĂN NHẪN