Thứ Bảy, 08/12/2012, 11:21 (GMT+7)
.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2013

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Việt Nam đã được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013” diễn ra sáng 7-12 tại Hà Nội.

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đề xuất dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 theo 3 kịch bản, trong đó kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,68%; vốn đầu tư trên GDP là 30,5% và tăng trưởng xuất khẩu 14,6%; lạm phát 7,1%; nhập siêu trên xuất khẩu là 6,5%.

Hai kịch bản tăng trưởng còn lại, gồm kịch bản tăng trưởng cao với GDP tăng 6,34%, tăng trưởng xuất khẩu 16,3%, lạm phát 8,2%, nhập siêu trên xuất khẩu là 6,6%. Kịch bản này xảy ra nếu nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu được giải quyết cơ bản, kinh tế thế giới khả quan, thương mại thế giới tăng trưởng khá; Chính phủ có chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh và giải quyết nợ xấu, kịp thời đón bắt xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI và ODA từ Trung Quốc, Ấn Độ sang các nước ASEAN…

Còn ở kịch bản tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 5% so với năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP của Việt Nam là 29%; lạm phát 7,3%; tăng trưởng xuất khẩu 12,8% và nhập siêu trên xuất khẩu là 2,4%...

Ảnh Duy Sơn
Ảnh: Duy Sơn

Theo PGS.TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,68% như ở kịch bản có khả năng xảy ra nhất thì Chính phủ vẫn cần thiết duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt.

Đồng thời chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công.

Ngoài ra, cần tiếp tục có giải pháp khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của các doanh nghiệp như thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí…, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội đồng thời thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.

PGS.TS Đỗ Văn Thành cũng cho rằng, phải có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhìn nhận, nhìn vào mức độ tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu năm nay thì hàng tồn kho trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo không tăng.

Vì vậy, lượng hàng tồn kho chỉ tăng cao trong lĩnh vực bất động sản nên sẽ kéo theo các lĩnh vực liên quan đến bất động sản cũng chịu ảnh hưởng. Đây chính là rủi ro, thách thức trong năm 2013, cần phải nhìn nhận, phân tích chính xác để có những giải pháp điều hành phù hợp.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.